Được lòng dân
Ấy là câu chuyện vào tháng 12 của thời điểm những năm tháng quá khứ, bấy giờ, tôi đang đảm nhận một chức vụ quản lý ở tại một công ty gia đình. Nói cho công bằng thì chắc chắn là có rất nhiều công ty gia đình làm việc rất chuẩn chỉnh và minh bạch, nhưng tôi tin hầu hết mọi người khi nghe về một đơn vị có nhiều sai phạm, thiếu uy tín, rồi cũng theo đó được biết đấy là một công ty gia đình, thì đa phần đều có xu hướng tặc lưỡi như hiểu ngay ra được vấn đề: “Ồ, bảo sao…”. Tôi thì không phân biệt hay có định kiến nào về các dạng công ty, chỉ đơn giản, thấy có vấn đề sẽ lên tiếng.
Bấy giờ, vì là cấp Trưởng phòng nên tôi sẽ làm việc trực tiếp với Tổng Giám đốc. Người lúc bấy giờ yêu cầu gặp riêng tôi để trao đổi về hai điều: Một là – “Đàn ông con trai phải mạnh mẽ, nếu cần thì phải to tiếng chứ, đằng này em lại quá nhẹ nhàng và lúc nào mở miệng ra cũng dùng từ “xin phép”, thế cho nên anh và chị P. (người là cấp quản lý, nhưng đồng thời cũng là người nhà của Tổng Giám đốc) đều cho rằng em đang diễn”.
Thời điểm bấy giờ, trong bụng tôi cười lên một tiếng lớn lắm. Phàm ở đời, lẽ ghét thương đôi khi hợp lý một cách phi lý đến vậy đấy. Lúc quý mến nhau thì “Uống nước lọc là mát ruột nhất”, tới lúc ghét thì nói “Khách đến nhà không chịu pha lấy ấm trà tử tế, đem nước lã ra tiếp khách thật đúng là bôi bác”. Chính anh Tổng ấy, lúc trao đổi để mời tôi về làm việc, anh đã nói rằng sự uyển chuyển và mềm mại của tôi sẽ giúp thay đổi và phát triển hẳn mảng truyền thông nội bộ của công ty (“Dĩ nhiên là với sự tạo điều kiện của anh ạ” – Tôi đáp lại ngay lúc ấy); còn bấy giờ, sau gần một năm làm việc, thì anh ấy đem “Cau sáu bổ ra làm mười” để mời tôi.
Và lý do cho việc đó, tôi hiểu lắm chứ, bởi vì đấy cũng là câu chuyện thứ hai mà anh nhắc tới: “Làm quản lý là phải đứng xa, phải độc lập, nghiêm khắc với nhân viên còn tình cảm thì đã có quy chế khen thưởng; anh thấy em chiều nhân viên của em quá, anh rất bực mình vì điều đó làm giảm giá trị của em xuống”.
Trong quá trình làm việc tại đơn vị này, tôi thi thoảng có được nghe phong thanh, nhưng không sâu, về việc TGĐ thường có xu hướng ngăn mọi người trong công ty kết nối với nhau (dù luôn khẳng định với tôi là “muốn đẩy mạnh truyền thông”). Ngay kể cả thời điểm tôi làm việc, nhân viên phòng tôi cũng thường bị TGĐ gọi lên để trao đổi riêng, giao việc riêng và yêu cầu báo cáo bí mật riêng mà không hề thông qua tôi. Lý do là bởi anh ấy không tự tin về năng lực lẫn ngoại hình của mình, lúc nào cũng sợ người khác cản trở và thực sự thì đã từng có một thời điểm một bộ phận nhân viên lên tiếng để biểu tình khá lâu về đường hướng làm việc của công ty (nơi mà anh ấy làm TGĐ). Dĩ nhiên ấn tín không nắm trong tay thì nổi dậy cách mấy rồi kết cục cũng sẽ như khởi nghĩa Khăn Vàng là cùng. rồi thì trước sau cũng vẫn bị coi là “giặc”, nên là những người ấy thì rồi cũng sẽ nghỉ việc và những câu chuyện truyền lại đời sau thì cũng sẽ chỉ như cổ tích mơ hồ với nhiều điểm không thể làm rõ, tương tự như cái cách mà không lâu sau – tôi và cả phòng của tôi nghỉ việc, dù thực tế đến nay cho thấy những “di sản” về cả đường lối làm việc lẫn kho tư liệu mà tôi và phòng để lại là rất lớn, nhiều đời sau vẫn phải tái sử dụng chứ không thể xây mới lại vì không khả dĩ hơn.
Dĩ nhiên, ở một vài mặt nào đó, khi lên làm quản lý cấp cao chẳng hạn, việc quan tâm tới từng nhân viên – như cách tôi làm, là không khả thi. Nhưng cần nhìn nhận rằng, to hay nhỏ, cao hay thấp, lúc nào tôi cũng sẽ làm việc trực tiếp với một (vài) người. Và những người thân cận ấy, sống chết ra sao tôi cũng sẽ tìm cách bảo vệ. Không lý nào để bản thân phải tỏ ra cao ngạo, xa cách với nhân viên của mình. Thăm hỏi nhau mỗi ngày một vài câu, đôi khi có giá trị lớn hơn việc thăng một bậc lương – tôi nghĩ vậy.
Ấy là bởi vì trong đầu tôi, trước sau gì, lúc nào cũng nhớ đến hình tượng của Triệu Vân phá vòng vây cứu ấu chúa. Bấy giờ, nhận lại con từ tay Triệu Vân, Lưu Bị ngay lập tức ném con xuống dưới đất mà mắng rằng: “Vì mày mà tao suýt mất đi một tướng tài”. Người đời bàn tán rằng Lưu Bị mới chính là kẻ gian hùng, khi dùng chiêu bài “Ném con mua lòng người”, hay sâu hơn, là bao nhiêu tính toán thu phục lòng dân khác để mưu cầu đại nghiệp. Nhưng dù tâm địa thực chất ra sao, thì tôi vẫn luôn tin rằng người đàn ông khởi nghiệp bằng dệt chiếu, bán dép để rồi sau này xưng đế ấy đã làm đúng. Từ chuyện lấy hành động để thu phục lòng Triệu Vân, rồi ba lần tới lều cỏ thuyết phục Gia Cát Lượng, hay đem theo đại quân thảo phạt Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ và Trương Phi; tất cả những điều ấy chỉ cho thấy ông muốn thể hiện với mọi người biết rằng bản thân trọng hiền đại sĩ, và sự nghiệp ông xây lên cũng là vì chính họ.
Bản thân tôi cũng luôn nói với mọi người xung quanh mình rằng: “Nghiệp lớn có thành hay bại, cốt yếu là ở lòng dân. Lòng dân hanh thông thì đế nghiệp tất đến, nhược bằng mất lòng dân thì xem như mất tất”.
Và đấy cũng là lý do mà lúc đó, dù các bạn nhân viên không “gạ gẫm”, cũng chẳng điều lệ nào yêu cầu, nhưng bánh kẹo tôi vẫn mua về đều đều. Thi thoảng buổi trưa, tôi rủ các bạn đi ăn. Hay có đôi lúc không khí ngột ngạt quá, kiếm cái cớ “ra ngoài họp vì công ty không còn phòng”, tôi đưa tất cả các bạn ra ngoài uống trà, tám chuyện. Công việc không đơn thuần nằm trong tám tiếng giờ hành chính đâu, mà yếu tố quyết định – đặc biệt là trong ngành truyền thông, thì “Sức nhàn thắng Sức mỏi”. Đôi khi cứ phải vui đã, thì sự thăng hoa mới đến. Ấy nên ở thời điểm phòng tôi làm việc thì các tư liệu, bài viết, tương tác truyền thông cực kỳ cập nhật – đặc biệt là vào thời điểm “đếm ngược” như 0h sáng. Khi anh không được lòng dân thì có trả tiền 5 cái OT họ cũng không làm đâu, tôi tin rằng tôi hiểu điều đó vì dù sao, tôi cũng vẫn luôn là nhân viên. Một nhân viên rất…giàu kinh nghiệm nhân viên bởi vì không chỉ tự mình trải nghiệm, thấu hiểu tiếng lòng; mà tôi còn (từng) được có cơ hội ở bên những người sếp có những đức tính mà tôi luôn theo đuổi nữa.
Như việc tôi từng làm việc với một người chị, người luôn thông cảm cho những khó khăn, vấp váp của tôi khi trải nghiệm ở môi trường mới. Rồi cũng chính chị, khi tôi đối diện với những khó khăn, không phải một – mà là vài lần, thì đều động viên, chia sẻ với tôi bằng những cuộc điện thoại dài cả tiếng. Hay đôi khi đi muộn về sớm – điều mà phải là người “trong ngành” mới hiểu được. Tôi rất quý chị vì chính tôi cũng tạo điều kiện cho nhân viên của mình như vậy, tới mức Trưởng phòng Nhân sự có hỏi vì sao người bạn kia luôn đến muộn:
“Giờ sinh học của cậu ấy là 6h sáng có cảm hứng, em biết” – Tôi trả lời – “Bảo cậu ấy đến làm đúng giờ thì cũng được thôi, nhưng, em không muốn. Chính em cũng thế, đang có ý tưởng hay thì em muốn bắt tay vào làm liền ngay, chứ đứng dậy đến cơ quan, rồi ồn ào xao nhãng, lỡ ra ngòi bút không còn được như chính mình từng kỳ vọng. Thì vừa buồn bực trong lòng mà công ty cũng chịu thiệt hại”.
“Lòng dân” là câu khẩu hiệu, và cũng là sự nể phục mà rất nhiều đồng cấp quản lý dành cho tôi khi tôi còn làm công tác quản lý tại những đơn vị tư nhân. Lòng dân không phải một khẩu hiệu suông, tôi coi đó như hơi thở của mình. Đi – Ở cũng vì nó.
Thật sự, chính tôi, thời điểm từng làm việc tại một công ty cũ. Từng có lúc tỉnh dậy lúc 3h sáng để làm một đề bài mà thời hạn hoàn thành là…một tuần sau. Đấy là lúc mà tôi tâm huyết. Anh sếp của tôi, người mà bị cả Khối phàn nàn về những cá tính lập dị, đôi khi họ kể cho tôi về anh, đôi khi tụm lại nói riêng và chừa tôi ra vì “Thằng này chắc chắn bênh sếp nó”. Có những thời điểm, cả phòng chỉ một mình tôi bênh vực sếp. Ấy không phải vì tôi bảo thủ hay ưa nịnh gì, mà bởi với tôi, chủ đúng – chủ hay thì mới theo. Muốn biết người ta có hay không, thì đôi bên phải thực lòng với nhau đã. Cái sự thực lòng ấy, là khi tôi và sếp – những con người thường xuyên ngồi lại cơ quan đến 8h tối, rồi sếp rủ tôi đi ăn “Anh mời” – sếp tôi nói. Và rồi sếp tôi ngồi kể rất lâu, rất nhiều chuyện sau khi tự mình uống hết vài chai bia – uống một mình, vì tôi thì có bao giờ mà uống. Đôi khi, người ta nhìn vào một sự và tưởng là A, nhưng rồi hiểu được bản chất và ngay lập tức có thể thông cảm được theo chiều B ngược lại. Chỉ là, đôi khi họ không chịu và cả không muốn hiểu. Chứ với tôi, muôn đời tôi luôn cho rằng dân nghệ thuật mà không có tí “bay bay”, thì thực ra cũng chẳng thể đạt đến tầm đỉnh cao trong ngành được.
Vậy nên, có lẽ đôi khi cũng sẽ có những người không hiểu cho tôi – một bạn nam luôn nói rằng sếp là yếu tố quan trọng nhất, sếp không ổn thì dừng. “Nhưng mà còn nhiều yếu tố khác cơ mà, kén thế chỉ làm khổ mình thôi” – mọi người bảo. Họ đúng đấy, nhưng, tôi chọn con đường mà bản thân đã chọn. Xét cho cùng, ở thời điểm bản thân chạm tới mốc 3, những lựa chọn của bản thân cũng đã đem lại cho tôi ít nhiều những thành công.
Bởi vì, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, “tấm lòng” và sự đón nhận luôn là điều mà tôi luôn sẵn có.