Từ nhà hàng chuẩn thế giới đến hai xiên thịt nướng: Người Trung Quốc phục vụ khách hàng KHÔNG PHẢI VÌ TIỀN

Lý do tôi chọn Trung Quốc đại lục và sẽ luôn chọn đại lục như một trong những lựa chọn đầu tiên cho chuyến du lịch của mình, là bởi tôi có sự yêu thích sâu sắc với văn hóa, lịch sử, con người nơi đây. Và nói một cách chân thành, tính cách và bản sắc của tôi cũng một phần được hình thành bởi nhiều triết lý Trung Quốc tôi học được.
Nhưng khi đã ra nước ngoài du lịch, mục tiêu tối thượng tôi đặt ra là: Không, hoặc hạn chế tối đa những trải nghiệm mình có thể tiếp cận ở quê nhà. Hay nói đơn giản, tôi sẽ làm những điều ở Việt Nam tôi chưa thể làm.
Một trong những điều bất khả thi đó là ăn ở nhà hàng gắn sao Michelin!
(Một trong những) Thước đo chuẩn mực cho một nhà hàng “xịn xò” bậc nhất thế giới-Sao Michelin chưa từng được gắn cho bất kỳ nhà hàng nào tại Việt Nam. Chưa từng. Và đó là lý do mà tôi, một người đã có đầy mình kinh nghiệm ăn uống từ những quán ăn vỉa hè, những cửa hàng ăn nhanh cho đến những nhà hàng đẳng cấp với hóa đơn lên đến tiền triệu, quyết tâm ấp ủ âm mưu bấy lâu để được đến một nhà hàng Michelin xem thử ở đấy thì khác gì nhà hàng Việt Nam.
Sao Michelin được chia làm ba cấp: Một sao, Hai sao và Ba sao. Muốn để dành nhà hàng Ba sao để tăng dần trải nghiệm cho những lần sau, nhưng cũng không muốn đi từ “đáy” vì thấy không cần thiết (và cũng vì muốn tăng tối đa trải nghiệm ấn tượng trong chuyến đi Trung Quốc đầu tiên này), tôi quyết định chọn một trong những nhà hàng hai sao tại Thượng Hải. Theo định nghĩa của Sao Michelin, Hai sao là một cơ sở ăn uống có chất lượng xuất sắc, đáng để đi một quãng đường xa đến. Vậy thì đi!
Chưa biết nhà hàng có chất lượng không, nhưng đúng là….đi quãng đường xa thật! Nhà hàng tôi chọn là nhà hàng Imperial Treasure (dịch ra tiếng Việt là nhà hàng “Kho báu Hoàng gia”) nằm trên đường Beijing Dong Lu, một nhà hàng trải qua sự cân nhắc rất kỹ của tôi dựa trên bảng thành tích luôn nằm trong top các nhà hàng hàng đầu của họ trong quá khứ, cũng như vị thế ba năm liền giữ được chuẩn Hai sao Michelin.
Tôi đáp chuyến tàu nhanh từ Metro đến phố đi bộ Nam Kinh, đơn giản thôi. Nhưng vì chẳng có line nào đâm vào đường Bắc Kinh (Beijing Dong Lu), mà tôi thì kiên quyết không thèm đi taxi, nên phải 20 phút đi bộ mới tới được nơi mình cần đến. Tôi được tiếp đón bởi một người quản lý và ba bạn lễ tân đứng chào khách ngay từ ngoài cửa. Người quản lý ấy là một trong những người hiếm hoi nhận ra tôi là…người Việt Nam. Bởi xuyên suốt chuyến đi, cũng nhiều người hỏi tôi là người Thái à. Và ở phố đi bộ Nam Kinh, sau khi từ chối một cách lịch sự bằng tiếng Anh, một tờ rơi do một chàng trai người Trung Quốc phát. Tôi còn được chàng căn vặn bằng tiếng Trung Quốc: “Anh là người Trung Quốc mà sao lại nói tiếng Anh làm gì?” (Ơn Trời, vốn tiếng Trung bập bõm học được một thời gian ngắn trước kia vẫn giúp tôi hiểu khá nhiều thứ khi sống những ngày tại đây, hiểu, chứ không thực sự nói được).
Quay trở lại với nhà hàng, người quản lý hỏi tôi rằng tôi đã đặt trước bàn chưa. Tôi nói chưa. Ông trả lời rằng không vấn đề gì, và dẫn tôi vào trong. Trên quãng đường đi, ông bước rất chậm rãi nhưng dứt khoát và dừng lại khoảng ba lần, nhắn chúng tôi lưu ý rằng sắp đi đến đoạn bậc thềm lên-xuống (trong nhà hàng có vài chỗ có bục thềm hơi nhô cao lên). Tôi đã rất ngạc nhiên về sự tận tâm này.
Và tôi còn ngạc nhiên hơn nữa với các bạn phục vụ bàn. Ngay khi ngồi vào chỗ, tôi hỏi bạn phục vụ rằng đây là nhà hàng Hai sao Michelin phải không. Bạn bảo đúng. Và tôi ngay lập tức hỏi rằng mình có thể chiêm ngưỡng ngôi sao ấy được không.
Trái với sự kỳ vọng của tôi (rằng cô gái ấy sẽ chỉ chỗ cho tôi để lát nữa, sau khi ăn xong, tôi có thể đến và xem nó), cô gái ấy nói rằng chúng tôi hãy đợi một chút, để cô ấy gọi….quản lý ra. Tôi cho rằng có sự hiểu nhầm vì khá nhiều người Trung Quốc rất yếu tiếng Anh, nên cố đính chính rằng tôi chỉ muốn xem nó thôi. Nhưng cô gái ấy vẫn nhiệt tình nói rằng mình sẽ gọi quản lý. Người đàn ông vừa nãy lại gặp lại chúng tôi, dẫn tôi đến xem những ngôi sao của cửa hàng, mà hóa ra vốn…gắn ngay bên ngoài lối đi. Lần này, ông tiếp tục tạo cho tôi bất ngờ nữa khi sử dụng một số từ tiếng Việt như “Cảm ơn”, “Xin mời”, “Chúc ngon miệng”…Tôi có hỏi ông và được biết ông từng công tác tại Thành Phố Hồ Chí Minh một tháng nên có học được một vài từ cơ bản. Kết thúc chuyến thăm quan, ông dẫn tôi trở về chỗ ngồi, vẫn không quên nhắc về bục lên xuống.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm bên chứng nhận 2 sao Michelin của nhà hàng.
Nhưng tôi còn phải gặp quản lý thêm…hai lần nữa. Lần thứ nhất cách khoảnh khắc “ngắm sao” không lâu. Bởi ngay khi bước về chỗ, menu được đưa ra và tôi lập tức hỏi bạn phục vụ rằng bạn có thể gợi ý cho tôi một món ăn mang đậm bản sắc Trung Quốc không. Nhưng nhìn gương mặt không chuyển nét của bạn, tôi ngay lập tức hỏi tiếp: “Can you speak English?” và được trả lời ngay là “No” (Vâng, lời khuyên của tôi là trước khi có ý định tiếp cận người Trung Quốc bằng chân, tay hoặc phần mềm dịch, bạn nào đi cứ mạnh dạn hỏi câu mà tôi vừa hỏi. Kinh nghiệm đi xuyên mấy tỉnh Trung Quốc đợt vừa rồi của tôi cho thấy: 100% số người được hỏi biết và hiểu câu này, có đúng hai người, chiếm tỷ lệ khoảng…3% số người tôi gặp trong chuyến đi nói tiếng Anh cực thành thạo, 17% nói “A little”, 30% nói “Yes”-các bạn “Yes” này khá hơn các bạn “A little” từ một tẹo đến…một chút, và 50% số người còn lại là “No”).
Sau khi bạn phục vụ trả lời “No”, tôi lập tức sử dụng phần mềm dịch để nói về nguyện vọng của mình. Chàng trai ấy đề nghị tôi đợi bằng tiếng Trung, rồi lại điệp khúc cầu viện quản lý, lần này một người quản lý khác bước ra tiếp tôi và tư vấn cho tôi chọn món. Thật chứ, nếu là người cũ kia thì cũng chẳng biết tôi nên giấu mặt vào đâu cho đỡ ngại nhỉ?
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thắc mắc rằng điệp khúc “Gọi quản lý” của các bạn nhân viên nhà hàng là do sự tận tâm, muốn một người có chuyên môn, hiểu ngôn ngữ để chỉ dẫn cho chúng tôi tận tình hơn (tất cả quản lý nhà hàng chúng tôi gặp đều biết tiếng Anh, trong khi các nhân viên đa số đều không thể) hay do đó là nguyên tắc trợ giúp bắt buộc của nhà hàng: Không giải quyết được thì chuyển lên cấp trên nhỉ?
Cá nhân tôi, tôi sẽ giữ quan điểm thứ nhất để có cái nhìn dễ mến hơn đối với người Trung Quốc.
Nói về không khí bữa ăn trong nhà hàng: Yên bình. Món ăn có lượng vừa đủ, ngon và dịu. Nhân viên phục vụ rất tận tâm với khách, họ luôn để mắt và rót trà đầy cốc khi cốc của tôi vơi đi. Kết thúc buổi trải nghiệm đáng nhớ, tôi thanh toán hóa đơn, tiến ra cửa gửi lời cảm ơn đến người quản lý và các bạn lễ tân. Người quản lý nói tiếng Anh rất tuyệt vời, và gửi lại cho tôi một danh thiếp. Thực sự, tôi thích tấm thịnh tình, chất lượng bữa ăn và đặc biệt là…giá cả tại đây.
Mỗi món ăn trong thực đơn của nhà hàng Imperial Treasure có giá dao động khoảng 100-150 tệ (khoảng 350-500 ngàn tiền Việt). Hai món tại đây có thể đáp ứng đủ cho hai bạn nam (với nữ thì có thể là 3-4). Có nghĩa là cả gia đình (bố, mẹ, hai con) thêm cả tiền nước (hôm ấy tôi gọi Chinese Tea có giá khoảng vài chục tệ) thì hóa đơn cũng chỉ tầm 1 triệu-1tr2 tiền Việt (dĩ nhiên ăn món nào sang sang như hải sản thì chi phí sẽ đắt hơn, tầm 200-300 tệ rồi). Với một nhà hàng Hai sao Michelin, cá nhân tôi cho rằng mức giá tầm 300-400 ngàn tiền Việt (khoảng hơn 100 tệ) cho một đầu người thì đã là rất hợp lý, rất xứng đáng nếu so với sự nhiệt tình của các bạn Trung rồi.
Ngay tối hôm sau, tôi đi chơi về muộn, muộn nghĩa là 11 giờ tối mới lò dò từ ga tàu đi bộ về gần nhà. Hàng quán đóng cửa cả. Đang loay hoay suy nghĩ khéo phải ra tiệm tạp hóa mua mỳ gói ăn trừ bữa, thì may mắn phát hiện ra một nhà hàng. Và sự cảm động bắt đầu.
Tôi tiếp cận và hỏi nhân viên nhà hàng nhỏ nhưng cực kỳ sạch đẹp ấy bằng phần mềm dịch, may mắn, họ trả lời rằng nhà hàng mở đến hai giờ sáng. Sẽ là xuất sắc nếu nhà hàng có cách trải bàn ăn rất đẹp mắt, lại kiêm thêm treo mấy giấy note xinh xinh để du khách viết cảm nhận, rồi cả quầy chơi nhạc riêng ấy-có một Menu với hình ảnh minh họa. Rất tiếc, tất cả chữ trên thực đơn đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh-không hình minh họa. Tôi cười òa, chắc chắn lại làm phiền những người chủ tiệm vì sự bất đồng ngôn ngữ này rồi.
Và đúng thế thật! Bên quán ăn cũng có phần mềm dịch, hai người tiếp tôi và ra sức tư vấn bằng phần mềm dịch nói, và cả scan ảnh để dịch chữ trực tuyến. Nhưng mọi sự ko dễ dàng vì qua phần mềm, ý diễn tả bị biến đổi đi nhiều. Cảm thấy khá khó khăn vì không biết chọn món gì, cũng như không muốn ăn quá nhiều do còn phải đi ngủ sớm để mai dậy…chơi tiếp, tôi quyết định nói với họ rằng sẽ là rất tuyệt vời nếu tôi có thể ăn thịt, cơm với thịt, chỉ vậy thôi. Nghĩa là trong đầu tôi đang nghĩ đến món cơm rang dưa bò. Đối đáp lại, những người chủ quán nói một hồi rất dài bằng tiếng Hán và giơ tay báo cho tôi biết giá tiền. Chi phí hết 8 tệ được không? Họ cố gắng hỏi và tôi hiểu. Tôi nghĩ: Rẻ đấy, nếu so với nhà hàng. Nên tôi đồng ý, dù cực kỳ thắc mắc: Kiểu nào mà cơm với thịt ở Trung Quốc lại có giá 8 tệ. Chả phải rẻ ngang một suất cơm rang dưa bò ở Việt Nam thật ư?
Nhưng phần mềm dịch báo hại tôi vào buổi tối ấy. Những người phục vụ vẫn tiếp đãi tôi nhiệt tình, chu đáo với cốc trà có vị rất ngọt. Sau một lúc chuẩn bị, họ đem ra một chén cơm trắng và xiên thịt. Tôi ngoài mặt lạnh hơn tiền nhưng bụng cười sằng sặc. Bất đồng ngôn ngữ thật thú vị, với cũng hãy tự trách mình khi không đủ vốn ngôn ngữ và…cất mất não ở nhà khi không cố giải thích với họ, chí ít bằng hình ảnh món mình muốn ăn thì như vậy là tại mình thôi. Họ cũng đã cố giải thích với tôi bằng hành động và ngôn ngữ rồi, nhưng mình không hiểu. Người Trung Quốc thực sự nghiêm chỉnh! Tôi muốn ăn cơm với thịt thì chắc chắn đấy là cơm với thịt, không lừa đảo thêm gì hơn, và vẫn với một thái độ phục vụ nghiêm chỉnh!
Tôi quyết định gọi thêm cơm và vài xiên thịt nữa, kết thúc bữa ăn: Hai chén cơm, sáu xiên thịt là 21 tệ. Chất lượng thịt ổn, cơm dẻo. Món ăn dĩ nhiên không đặc sắc vì tôi vốn chả gọi gì đặc sắc cả. Nhưng chất lượng món ăn ổn, nhà hàng hình thức tốt, giá cả rẻ, và quan trọng nhất là sự nhiệt tình, nghiêm túc, tôn trọng ý kiến khách hàng-nhưng vẫn tiếp đãi nhiệt tình, tử tế là điều tôi rất cảm động.
Sau bữa ăn, cũng giống như nhà hàng ở Tô Châu, tôi gửi lời cảm ơn họ và ngỏ ý gửi tặng họ tờ tiền Việt Nam thay lời cảm ơn. Thêm một sự bất ngờ nữa của tôi, các bạn phục vụ ấy từ chối. Họ giải thích với tôi qua phần mềm dịch, đại ý rằng: “Đó là niềm vui và trách nhiệm của chúng tôi. Bạn cứ yên tâm, không cần phải lo lắng gì đâu!”.
Hai xiên thịt nướng bữa khuya tại Thượng Hải
Ngoài hai ấn tượng sâu sắc kể trên, tất cả những nhà hàng tôi bước vào đều đem đến cho tôi những kỷ niệm tuyệt vời. Tôi sẽ luôn nhớ nhà hàng ở Tô Châu, nơi những người phục vụ tại đây cố dùng tiếng Anh để giải thích cho tôi về từng món ăn trong thực đơn (May quá, ở đó có cả hình ảnh minh họa!). Hay như quán cơm gà mà tôi bước vào ở Quảng trường Nhân dân, cô bé phục vụ kỹ càng hỏi xem tôi muốn ăn phần cơm gà ấy ra sao, với những phần nào của con gà, dùng thêm loại gia vị gì và có dùng thêm nước uống nào không. Và em cũng đứng trước cửa chào tôi khi ra về. Phần cơm hôm ấy, cả cơm và canh, hay nước trà dùng thêm…đều rất ngon. Phải nói thêm rằng những cốc trà tôi được phục vụ ở các tiệm ăn bình dân tại Trung Quốc đều miễn phí nhưng có chất lượng ổn, đầy đặn. Điều ấy khiến tôi hiếm khi phải gọi thêm đồ uống trong suốt chặng đường du lịch. Đó cũng có thể xem như một sự chu đáo trong bữa ăn người Trung Quốc chuẩn bị cho khách hàng vậy.
Một lời khuyên cho bạn nào tới Trung Quốc, là mỗi đĩa thức ăn Trung Quốc thường rất đầy đặn. Với nhà hàng hạng sang, phần “chất” tăng lên, phần “lượng” giảm đi, nhưng vẫn đảm bảo đủ cho hai người (quán hoặc tiệm ăn bình dân thì hai món có thể đủ cho 3-4 người). Vậy nên khi gọi món, cứ căn cứ quy tắc trên và số lượng người đi mà gọi dần. Bởi bỏ thừa không bao giờ là điều tôi khuyến khích.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, đa phần các món ăn có hai bản sắc chính “Cay” và “Dầu mỡ”. Theo đánh giá của cá nhân tôi, dầu mỡ, nếu có, chỉ góp phần làm món ăn thêm nổi bật, thêm ngậy, hoàn toàn nên giữ lại. Còn bạn nào không ăn được cay, tốt nhất nên tìm cách nói với chủ quán trước, kẻo đến lúc đem đồ ăn ra thì có những món cay hú hồn luôn à.
Tổng quan lại, tôi phải khẳng định rằng: Các nhà hàng Trung Quốc đều thật tuyệt vời. Bạn có thể bước vào với bất cứ ngôn ngữ nào, bất cứ hóa đơn nào, và nhận lại sự phục vụ tin cậy và tận tâm nhất. Nếu có một thang điểm chấm các nhà hàng Trung Quốc, giống như cách tôi hay chấm điểm trên Foody tại Việt Nam, thì không nhà hàng Trung Quốc nào tôi chấm dưới 8 điểm rưỡi. Chắc chắn! Bởi với tôi, người Trung Quốc phục vụ khách hàng bằng chính cái TÂM, cái NHÂN, cái LỄ của họ, TIỀN không phải yếu tố quan trọng nhất.