Ba kiểu người trong xã hội
Bấy giờ, khi đang ở Thượng Hải, tôi có cơ duyên tình cờ được gặp gỡ với một thầy đồ người Trung Quốc. Trò chuyện hồi lâu, nghe chừng thấy tâm tính cả hai hợp nhau lắm, thầy Lưu ấy phấn khởi mời tôi một cốc trà nóng, lại kể câu chuyện khiến tôi rất tâm đắc, như thế này:
“Một nước nhỏ tiến cống cho Đường Huyền Tông ba bức tượng người làm bằng vàng. Tuy bề ngoài trông giống nhau, nhưng sứ giả nước cung tiến nói rằng cả ba bức tượng sở dĩ quý vì đều có hồn người, mỗi bức một cái “hồn” khác nhau, và trong đó có một bức tượng mà theo họ là quý báu, hiếm có, đáng để lắm.
Vua Đường nghe vậy liền triệu quần thần tới để bàn kế phân loại, nhưng suốt thời gian dài, hết người này đến người kia đều lắc đầu chịu bại. Dù vậy, cuối cùng cũng có một người làm được, ấy là một vị đại thần nọ, ông lấy ba sợi tơ đặt vào tai của ba bức tượng. Kết quả: Bức tượng thứ nhất, sợi tơ rơi ra từ chiếc tai bên kia. Bức tượng thứ hai, sợi tơ rơi ra miệng. Bức thứ ba, sợi tơ rơi xuống bụng trước khi rơi ra ngoài.
Ba bức tượng tượng trưng cho ba dạng người, vị đại thần kết luận. Dạng thứ nhất là nghe tai trái ra tai phải, tức là mẫu người hoàn toàn không biết lắng nghe. Dạng người thứ hai là nghe thấy gì thì nói nấy, mà như vậy thì thực nguy hiểm, bởi vì khi đó, ắt có thể: “Họa từ miệng mà ra”.
Chỉ có kiểu người thứ ba, là mẫu người biết lắng nghe, biết giữ trong bụng, trong lòng để ngẫm nghĩ, xem thử lời bí mật nào nên giữ, lời cần thiết nào nên nói ra và nói sao cho tử tế. Con người như vậy, kể mới thực là khôn ngoan nhất!”.
Trung Quốc/2019.