Đừng động viên theo cách khiến người khác thêm đau lòng

Tôi vẫn luôn muốn nói với cô con gái yêu của mình, sau này, là: “Con biết không. Trưởng thành là khi con không chỉ biết nghĩ về bản thân mình, mà còn biết yêu thương và “khâu vá” lại những vết thương cảm xúc của người khác. Hãy trân trọng cảm xúc của người đối diện con, đừng thờ ơ, hờ hững với những tổn thương của họ. Khi ấy, nhớ phải dang tay ra nhé con. Đó không chỉ là con đang giúp đỡ đối phương đâu, mà còn đang sưởi ấm chính trái tim mình đấy….”
Cách đây tròn một thập kỷ, tôi có chơi thân với một cô bé học kém hơn mình hai lớp. Mối quan hệ ấy bắt đầu khi tôi học lớp 12, trở nên khăng khít khi tôi vừa thi ĐH về-lúc ấy có chút ít thời gian rảnh rỗi. Nhưng đi xuống dần khi tôi chính thức “nhập cuộc” với môi trường Đại học. Một môi trường mới với nhiều cơ hội, nhiều trải nghiệm đã thực sự cuốn hút tôi-và do đó, những mối quan hệ cũ có phần bị xao nhãng.
Một hôm, cô bé gửi cho tôi lá thư dài qua yahoo mail. Cô ấy nói rằng cô ấy thất vọng về tôi. Chuyện kể rằng mấy ngày trước, khi vừa biết tin đạt danh hiệu HSG cấp thành phố, cô bé ấy ngay lập tức chuẩn bị thi Quốc gia và rất cần một lời khuyên, một chỗ dựa tinh thần. Và cô ấy tìm đến tôi với hy vọng về một phao cứu sinh hay một sự truyền lửa nào đó. Bởi vì đối diện cô là một áp lực quá lớn: Không chỉ là danh tiếng của bản thân, mà còn là kỳ vọng của trường. Tôi lúc ấy mắt nhắm mắt mở chẳng nói được câu nào tử tế, chỉ biết nói rằng: “Em cố lên!”. Chính cái từ “cố lên” ấy, hóa ra lại làm người bên kia áp lực thêm, và đó là điều mà cô bạn ấy trách móc tôi. Nghĩ cũng phải, “cố lên” là một từ cực kỳ thờ ơ, vô thưởng vô phạt. Người nhận được câu ấy chẳng biết phải cố cái gì mà cũng chẳng biết phải cố đến khi nào mới đủ. Có khi, cố quá thành ra đâm đầu vào tường thì lại thành dở nữa. Tôi hối lắm. Thế nên sau này, nếu có đưa ra chia sẻ hoặc lời khuyên cho một ai đó, thường tôi phân tích rõ ràng bối cảnh và tiềm lực của mình và người ta, qua đó chia sẻ định hướng luôn. Điều ấy giúp người cần lắng nghe nhìn rõ mình ở đâu, và nên làm gì hơn (đôi khi người ngoài cuộc lại thực sự tỉnh táo). Gần như tuyệt đối tôi không bao giờ sử dụng từ “cố lên”-với tôi, như đã chia sẻ, “cố lên” là một câu chúc hời hợt.
Vài năm trước, tôi gặp một trục trặc về tình cảm. Tôi khóc suốt. Sáng khóc, trưa khóc, chiều khóc, nửa đêm tỉnh dậy cũng ngồi khóc. Khóc một mình bí bách quá, tôi đem chuyện kể cho người này, người kia để mong tìm được một lời khuyên. Nhưng bi đát thay: Tôi nhận được những câu nói theo kiểu “Đàn ông con trai mà khóc là hèn, con trai là không được khóc”; “Chuyện có gì đâu mà phải nghĩ nhỉ? Chị thấy chuyện chẳng có gì cả, đừng suy nghĩ quá”; “Em phải vui lên đi”..Tất cả những người ấy, sau này tôi tuyệt nhiên không còn liên hệ nữa. Mà có lẽ họ cũng chẳng bận tâm đến tôi ngay từ đầu. Thực sự, với tôi, khuyên một người đang đau khổ “vui lên đi” là một câu nói vô cùng ngớ ngẩn. Và càng tào lao hơn nữa khi bảo rằng đàn ông thì không được khóc. Không khóc thì đàn ông biết trút cảm xúc vào đâu: Bia, hay rượu?
Trải qua một phần tư cuộc đời, khi bản thân cũng đã có thể tự nhận là trưởng thành chút nhờ vượt qua một vài nỗi đau, và nhận vô số miếng vá chằng chịt từ sự vô tâm của ai đó. Thì tôi phải khẳng định rằng: Những vết thương bắn máu, xé thịt…mà tôi từng thấy trên phim ảnh, và đôi khi từng trải qua khi tình cờ có ngã xe hay gì đó. Thì cũng chẳng thể nào so sánh với vết thương lòng, mà vết thương ấy như càng nứt toác hơn khi xung quanh ai cũng thờ ơ với mình, hoặc chỉ đáp lại bằng những câu nói xã giao, vô cảm.
Khi một ai đó đã lựa chọn mình để chia sẻ, nghĩa là với họ, mình thực sự là người đáng tin tưởng. Đôi khi, còn giống như một vị cứu tinh nào đó.
Tôi còn nhớ câu truyện trong sách giáo khoa mình từng học ngày trước. Truyện kể về cô giáo nọ dạy một lớp tiểu học. Một hôm, có đứa học trò đứng dậy “nói thẳng” rằng “Thưa cô, chữ cô viết xấu quá. Chúng em không đọc được!”. Cô giáo ngỡ ngàng, lặng người vài phút liền, nhưng rồi xin lỗi cả lớp và hứa sẽ viết đẹp hơn. Mãi một thời gian sau, đám học trò ấy mới biết cô giáo mình là một cựu chiến binh, cô tham gia chiến trường trở về với mảnh đạn vẫn nằm nguyên trong bàn tay và nhói lên mỗi khi trời trở lạnh. Những cậu nhóc ấy khóc nức nở, ùa về xin lỗi cô giáo mình. Cô và trò cùng ôm nhau khóc.
Thế nên, tôi vẫn thường nói với những người hay vỗ ngực bảo rằng mình hay “Nói thẳng”. “Ừ, nói thẳng thì cũng tốt đấy”-tôi nói-“Nhưng cậu cũng nên nhớ rằng, nói thẳng đôi khi lại không tốt, mà là hành vi vô giáo dục”.
Bởi vì, khó ai có thể hiểu hết nỗi đau của người khác. Người ta nhìn vào các diễn viên Hàn Quốc tự tử mỗi năm và nói rằng người nhiều tiền, danh vọng, địa vị như vậy mà vẫn chọn phương án quyên sinh. Họ có dở hơi không thì chẳng cần người ngoài cuộc phán xét. Nhưng tôi tin vốn chẳng ai không tham sống cả, khi họ đã chọn ra đi nghĩa là họ đang ở trong cái đau đớn đến tột cùng. Và những người ở bên họ, nếu chịu lắng nghe và bỏ qua cái tư tưởng áp đặt, phán xét, cất lên dăm ba câu động viên trớt quớt. Thì có khi còn cứu sống được cả một mạng người.
Ở một mức thấp hơn, cách đây vài năm, tôi bắt đầu làm việc ở ngân hàng và nhận được vô số định kiến theo kiểu: Nhân viên ngân hàng thì lúc nào cũng sang chảnh, tiền tiêu không phải nghĩ mà tiền lẻ mới thì đổi vô tư. Khi tôi có mở lời chia sẻ về những nỗi vất vả, họ liền xua tay và lặp lại điệp khúc ấy liên tục. Thậm chí còn chê trách vì sao tôi mãi vẫn cứ gầy. Nhưng người ngoài cuộc đôi khi không biết tôi thường vẫn ở lại cơ quan đến hơn 9h tối, cuối tuần vẫn đi làm. Và đồng nghiệp tôi ngày ấy, có người chỉ nhận lương không đến 6 triệu. Thế nên chẳng có gì lạ khi xã hội cứ việc bảo, còn nhân viên ngân hàng cứ nghỉ việc đều đều.
Giới hạn chịu đựng của mỗi người là khác nhau, và thêm một lần nữa, nỗi đau-có hay không-chỉ người trong cuộc biết rõ nhất. Ai cũng sẽ có những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đa số ý thức phải cố tự mình giải quyết vấn đề của bản thân. Nhưng không phải lúc nào cũng thành công, và đến khi mọi chuyện đã vượt quá giới hạn, họ mới đi tìm sự cầu viện: Có thể là cách thức, có thể là viện trợ, có thể chỉ là tinh thần. Vậy nên, thêm một lần nữa, tôi khẳng định rằng “Cố lên” hay đại loại vậy, là một lời động viên rất sáo rỗng.
Dẫu biết không phải ai cũng là chuyên gia tâm lý, nhưng, khi đã nhận được sự tin tưởng sẻ chia từ người bên kia. Thì chỉ xin đừng thờ ơ, đừng phán xét hay quá tự cao kể về bản thân theo kiểu “Ngày trước tao…” (điều ấy khiến người đối diện đôi khi cảm thấy bản thân mình tệ hại và trở nên tự ti hơn), xin cởi mở để lắng nghe, chia sẻ; đem lại cho người kia sự cảm thông và san sẻ tình thương của ta bằng một giọng điệu nhẹ nhàng, tình cảm…với người đang gặp khó ấy. Được như vậy là đã góp phần chia đôi nỗi đau, trấn an tinh thần và dập tắt ý nghĩ tiêu cực của một con người-mà sau này-có thể trở thành người bạn/người thân của chúng ta. Còn nếu không, xem như là gieo một duyên lành, tạo nên một nhân quả tốt. Tích đức thực ra là ở chỗ ấy đấy. Đôi khi tôi cũng thấy buồn cười khi người ta xoa tiền lẻ vào tượng đồng nhưng thờ ơ chỉ vài giây với người sống xung quanh mình.
Tôi vẫn luôn muốn nói với cô con gái yêu của mình, sau này, là: “Con biết không. Trưởng thành là khi con không chỉ biết nghĩ về bản thân mình, mà còn biết yêu thương và “khâu vá” lại những vết thương cảm xúc của người khác. Hãy trân trọng cảm xúc của người đối diện con, đừng thờ ơ, hờ hững với những tổn thương của họ. Khi ấy, nhớ phải dang tay ra nhé con. Đó không chỉ là con đang giúp đỡ đối phương đâu, mà còn đang sưởi ấm chính trái tim mình đấy….”