Đàn ông hơn nhau ở người vợ

Nhân tháng Bảy mưa ngâu, Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau qua cây cầu ô thước. Tôi lại nhớ đến một câu chuyện tình đã – và luôn làm mình xúc động, đại ý thế này:

Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò…khiến người trong thiên hạ căm hận. Khắp nơi đứng dậy khởi nghĩa mà cuối cùng nhà Tần phải mất. Sau khi nhà Tần mất thì Hán – Sở tranh hùng.

Đứng đầu nước Sở là Tây Sở Bá vương Hạng Vũ: người được mệnh danh là sức muôn người địch, đến cả vua Lê Thánh Tông nước Việt cũng phải viết một bài thơ ca ngợi ông, với lời mở đầu là: “Học thông muôn địch dám ai dè”. Hạng Vũ có vị hôn thê tên là Ngu Cơ, tương truyền là người có đôi mắt hồ thu, cái nhìn mơ màng xa xăm, giọng nói nhẹ như gió và cử chỉ uyển chuyển như mây. Tựa hồ tiên nữ giáng phàm vậy! Ngu Cơ sát cánh bên chồng đánh Hán cả trăm trận thì cả trăm đều thắng cả. Duy đến trận Cai Hạ bị Lưu Bang bội tín đánh úp thì thất thế, phải bỏ chạy vào thành. Binh ít, lương hết, quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Tâm trí âu sầu, Hạng Vũ đêm đó ngồi trong trướng Ngu Cơ uống rượu, lòng âu sâu mà ca lên một bài. Ngu Cơ thấy vậy, múa kiếm hát hòa theo, bất giác tự đâm cổ chết để khỏi làm vướng bận Hạng Vũ. Hạng Vũ thấy Ngu Cơ chết, ôm nàng khóc thảm thiết, xung quanh ai nấy thấy vậy cũng đều khóc mà không dám ngẩng đầu lên nhìn. Sau đó Hạng Vũ cùng 28 kị binh trung thành đánh phá vòng vây quân Hán và vượt được ra ngoài, nhưng đến sông Ô Giang thì cùng đường. Tự thấy xấu hổ không dám trở về Giang Đông, Hạng Vũ tự vẫn chết.

Sau này, người Trung Quốc lập nên rất nhiều đền thờ Ngu Cơ. Tương truyền: nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ rót rượu gần bên thì nhảy múa lả lướt, tựa như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ vậy. Người ta gọi cỏ ấy là “Ngu mỹ nhân thảo”. Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành hai khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quýt vào nhau, người ta gọi là Cỏ ngu.

Lại nói về Lưu Bang vốn xuất thân là một kẻ ăn mày. Lưu Bang rất ghét nhà nho, cứ thấy nhà nho là giật phăng mũ đái đầy vào nó. Không những lỗ mãng, ông còn là một kẻ bất hiếu và bất nghĩa. Tương truyền trong trận Bành thành, Lưu Bang bị Hạng Vũ đánh cho tan nát, bắt được cả cha và vợ. May sao lúc đó gió cát tự nhiên nổi lên mù mịt, Lưu Bang chạy thoát được khỏi vòng vây. Ông được tướng của mình là Hạ Hầu Anh đánh xe đưa đi trốn. Giữa đường thấy xe chạy chậm, Lưu Bang đẩy hai con mình xuống xe. Hạ Hầu Anh vội nhảy xuống bế lên. Lưu Bang thấy quân Sở đuổi gần lại đẩy con xuống. Hạ Hầu Anh thất kinh hỏi rằng: “Cốt nhục của bệ hạ, cớ sao nỡ lòng đẩy chúng vào chỗ chết như vậy?”. Lưu Bang đáp rằng: “Ta nay vào bước đường cùng, chỉ cần biết lo đến thân mình thôi”. Hạ Hầu Anh liệu đường không thể đối đáp được, lại đành “cắp nách” mỗi đứa một bên. Cuối cùng vẫn chạy thoát về được.

Sau này, Lưu Bang xây dựng lại thế lực, liền đem quân ra đối đầu Hạng Vũ. Hạng Vũ thấy vậy, đem cha Lưu Bang ra đặt lên thớt ngay trước trận, quát bảo nếu không lui quân sẽ cho giết ông này. Chẳng ngờ Lưu Bang đáp lại rằng: “Nếu ngươi có giết, nhớ đem cho ta bát canh thịt”. Hạng Vũ kinh ngạc, phải đem thả cha Lưu Bang về.

Chính bởi sự lỗ mãng và bất nhân, Lưu Bang cho đến ngoài 40 vẫn không thể lấy vợ. Mãi về sau này, khi lên làm chức đình trưởng, Lưu Bang mới được một người gả con gái cho chỉ để được cậy nhờ quyền thế. Vợ ông là Lã Hậu, kém 15 tuổi.

Lưu Bang được trời thương, đánh Hạng Vũ thua liên miên mà rồi cuối cùng chỉ thắng một trận lại được cả giang sơn. Nhưng người vợ của ông thì không sao sánh được một phần của Ngu Cơ.

Lại kể chuyện về Lã Hậu, sau khi cưới Lưu Bang, bà cùng chồng trừ khử nhiều công thần như Hàn Tín, Bành Việt…chỉ để lấy chức và bổng lộc của họ truyền lại cho người nhà mình. Khi Lưu Bang mất, bà tiếp tục ra tay giết chết Lưu Như Ý – con của một người thiếp Lưu Bang (tên là Thích phu nhân). Chỉ vì lúc sinh thời Lưu Bang từng có ý truyền ngôi cho Ý.

Về phần Thích phu nhân, Lã hậu sai chặt hết chân tay, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc thành câm, ném vào chuồng mà gọi là: “Nhân trư” (Lợn người). Sau mấy hôm, thái hậu cho gọi Huệ Đế (là con của bà và Lưu Bang – bấy giờ đã lên làm vua) vào để xem “Nhân trư”. Hán Huệ Đế thấy, ngạc nhiên hỏi, biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên mà nói với Lã hậu rằng:

“Việc đó không phải là việc con người làm! Tôi là con của thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được!”.

Từ đó không màng chính sự, ngày đêm uống rượu chơi bời rồi mắc bệnh chết. Lúc chết mới 22 tuổi.

Con mất, nhưng Lã Hậu không đau lòng. Thừa tướng nhà Hán bấy giờ là Trần Bình thấy lạ, liền hỏi quan thị trung là Tích Cương nguyên do. Tích Cương bèn đáp rằng:

“Ông cứ dâng chiếu xin phong cho những người họ Lã của Lã hậu làm quan to, giữ các chức vụ trong cung. Lúc ấy thái hậu mới yên tâm và các ông thì tránh được tai họa”.

Thừa tướng Trần Bình bèn làm theo kế của Tích Cương. Lã hậu mừng rỡ, lúc ấy mới khóc lóc thảm thiết!

………………………..

Than ôi, mệnh trời khó tránh! Từ đời Trụ vương vô đạo mà Cơ Phát lên ngôi. Cho đến sau này Gia Cát Khổng Minh tài ba rồi cũng không thể giành được thiên hạ, đành bất lực để họ Tư Mã làm càn. Hạng Vũ anh hùng nhưng giang sơn lại về tay gã thất phu là Lưu Bang, kể như cũng là số Trời vậy! Nhưng xét kỹ lại, nhận thấy ông Trời đâu có bạc với họ Hạng kia. Phàm bậc anh hùng, “tề gia, trị quốc” rồi mới “bình thiên hạ”. Hạng Vũ tuy không giành được giang sơn, nhưng xét thấy cơ nghiệp nhà Sở hùng mạnh thì kể đã hoàn thành việc trị quốc. Lại nhất là may mắn được tác thành duyên phận với vị phu nhân là Ngu Cơ – người khi sống vì chồng, chết cũng vì nghĩ cho chồng. Sau này cả hai chết đi lại được thiên hạ lưu vào sử sách mà tôn vinh về mối tình đẹp đến huyền thoại, đồng thời coi nhẹ chuyện thất trận của Hạng Vũ. Như thế há chẳng phải đã là viên mãn lắm rồi sao?

Còn như họ Lưu kia, vì có “chân mạng đế vương” mà sự nghiệp thăng hoa tột đỉnh. Nhưng nhân quả chẳng trừ bậc vương quyền, kẻ lỗ mãng như Lưu Bang làm sao cưới được một bậc chính chuyên như Ngu Cơ. Để rồi lần lượt thiếp yêu, rồi các con, cho đến kẻ lên nối ngôi…cũng lần lượt bị sát hại. Họ Lã lên lộng quyền và làm con cháu trong triều khốn đốn. Thế chẳng phải Lưu Bang mới là kẻ vô phúc ư?

Người ta nói “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”. Tôi thì nghĩ về điều ngược lại: “Cái hơn của một kẻ đàn ông là ở người vợ”. Cho dẫu sa cơ lỡ vận, giây phút cuối được ở bên cạnh một người vợ như Ngu Cơ. Thì còn đáng giá hơn gấp vạn lần hưởng vinh hoa phú quý bên cạnh một kẻ như Lã hậu.

Ấy nhưng làm đàn ông chẳng phải điều đơn giản. Muốn sánh đôi cùng Ngu Cơ, trước hết tài trí cũng phải như Hạng Vũ vậy.

Thiên hạ – mà bây giờ tôi gọi một cách nhẹ nhàng hơn – là sự nghiệp của đời người, vốn dĩ rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là có được một người bạn đời tâm đầu ý hợp. Khi một người sống tốt, biết làm điều thiện, biết nhẫn trước sự dèm pha…của người khác thì chắc chắn ông Trời sẽ ban cho một duyên phận tốt lành vậy. Người bạn đời giống như món quà của tạo hóa: Duyên phận vốn là chuyện Trời định (thiên duyên tiền định), chỉ có một và nó phản ánh cái đức của con người đã xây dựng.

Tôi vẫn hay nói với những người bạn của mình về việc sẽ chờ đợi Ngu Cơ của mình, dù mọi sự giờ có vẻ như chỉ mành treo chuông. Nhưng thế thì sao chứ? Chẳng phải từ thời Hạng Vũ, “thiên hạ” vốn đã chỉ là chuyện phù du ư?