Cháu tôi đã thay đổi như thế nào?

Tôi có một người chị họ sống tại quê. Chị đã có một cháu, năm nay lên bảy tuổi. Vì khoảng cách xa xôi và cuộc sống gia đình nhiều điều bận rộn, tôi và chị mỗi năm chỉ gặp nhau trên dưới chục lần. Nhưng ở lần gặp gần nhất hôm qua – nhân dịp cuối năm, chị đã rất vui cảm ơn và chia sẻ với tôi rằng: Chàng trai nhà chị đã trưởng thành lên rất nhiều nhờ những lời khuyên của người chú mà cả nhà dưới quê hay gọi là “Cán bộ Ngân hàng thủ đô”.
Hai năm về trước, lúc bé đã bắt đầu học mẫu giáo lớn, chị và anh xã dắt cháu – cả gia đình đến nhà tôi chúc Tết. Cậu nhóc lần đầu đối diện với một ông mặt mũi lạ hoắc (dù thực ra đã từng được gặp gỡ vài lần hồi mới sinh và đang tập bò), lo sợ nấp tới nửa người sau lưng mẹ. Chị gái tôi dằn mặt ngay bằng một câu cửa miệng cực kỳ quen thuộc: “Đã chào chú chưa?”. Đáp lại phản ứng của mẹ, cậu bé giương đôi mắt lên nhìn tôi đắn đo chút xíu, rồi bập bõm vài từ yếu ớt.
“Nhắc mãi mà cháu nó vẫn chẳng tự giác gì cả, chán lắm chú ạ”.
“Chị nói thế cũng chưa phải đâu” – Tôi cười, và tiến đến chỗ đứa nhỏ. Tôi chào cậu bé và tự giới thiệu về bản thân mình: Đầu tiên là tên, sau là mối quan hệ họ hàng xa với mẹ của cậu bé, và vì sao gia đình tôi lại sống ở thành phố – sự xa cách khiến cậu bé ít có điều kiện nhìn thấy tôi.
“Trẻ con bắt đầu học và ý thức ngay từ khi ở trong bụng mẹ. Nhưng kể từ khi tập nói và đặc biệt là khi nhận thức đủ hoàn hảo để có thể nói và tiếp thu thành thạo, thì việc dạy con trở nên khó khăn hơn nhiều, chị ạ” – Tôi nói với chị gái mình. “Trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình, có thể ý thức được một cách hoàn toàn tự nhiên đâu là bà, là bố, là mẹ ruột của mình. Nhưng đối với họ hàng ít tiếp xúc, thì khi lần đầu gặp, người họ hàng, hoặc tốt nhất là bố mẹ bé cần có sự giới thiệu trước mặt bé theo kiểu “Ba mặt một lời”, ít nhất phải nói được: Tên tuổi, mối quan hệ với bố mẹ bé. Sau đó bé và “người mới” mới có thể chính thức làm quen và tương tác với nhau. Trẻ nhỏ nhận thức còn non nớt, lại dễ bị nhiễu thông tin khi bố mẹ lúc thì bảo: Không được nói chuyện và phải cảnh giác với người lạ; Lúc lại bắt bé chào một ông lạ hoắc nào đó mà bé không biết. Chính bố mẹ phải làm công việc xác minh sự an toàn để đứa bé cảm thấy tin tưởng, “phá băng” với người lạ”.
Cá nhân tôi từng chứng kiến nhiều “biến thể” của việc dạy con sai cách. Ép buộc (hay còn gọi là “Bắt”) con chào rồi mới nói đây là chú này, cô kia thì phổ biến; Nhưng lại có gia đình mà bố mẹ chỉ đơn giản đại khái bảo con rằng hãy chào chú đi – Mà chú đó là chú nào, quan hệ ra sao với gia đình…thì ông bố không có nói! Và cứ như thế, mãi mãi ông chú mới quen ấy sẽ là “Ông chú mưa” chả bao giờ được đứa cháu nhớ đến, chả bao giờ có ấn tượng, hoàn toàn là sự xã giao hời hợt. Chúng ta tìm hiểu và yêu đương thế nào, thì cũng cần chia sẻ với con trẻ như vậy. Chỉ khi người mới quen và đứa trẻ trở nên hiểu nhau, thì “hậu bối” mới có thể tự giác, thân thiện. Dần dà, bé không những sẽ có ý thức và tương tác chủ động trong đại gia đình – khiến cho tình cảm cả nhà đi lên. Và theo thời gian, tiếp bước sự tự tin giao tiếp và niềm tin về sự thân thiện giữa người với người, cùng đôi chút uốn nắn thêm một cách khéo léo từ gia đình, cậu bé thậm chí hoàn toàn có thể trở thành một nhà ngoại giao tuyệt vời và cực kỳ chủ động bắt chuyện với tất cả mọi người xung quanh cuộc sống: Công việc, học tập. Cá nhân tôi tin là vậy.
Đầu năm nay, tôi về quê thăm cả gia đình chị. Đang ngồi uống trà với tôi, chị quay ra quát cậu cháu tội nghiệp của tôi – người đang giữ riết món đồ chơi trước sự đe dọa của một cô em họ khác năm nay lên bốn tuổi:
“Lâm! Con hãy nhường em món đồ chơi đó!”.
Tôi lắc đầu ngay: “Em nghĩ cách giải quyết như vậy không được rồi, chị ơi”.
Lại nói về câu chuyện “Giảng dạy hời hợt”. Ông bố, bà mẹ mua một thức gì đó về và nói với đứa trẻ rằng: “Đây là đồ chơi của con”; Nhưng rồi một ngày đẹp trời nào đó, cũng chính họ lại nói với trẻ rằng hãy nhường nó cho em mình, cho bạn mình.
Ép buộc trẻ đưa đi món đồ chơi của mình là một ý tưởng rất tồi! Người lớn có trách nhiệm bảo vệ tài sản gia đình, có thể cảm thấy xót xa khi một mảng tường của mình bị tróc vỡ, hay mưa bão làm dột mái nhà, thì trẻ con với món đồ chơi của nó cũng vậy – nhất là có khi với chúng: Chiếc ô tô ấy có thể là thứ mà nó yêu quý nhất, thậm chí ý nghĩa cực kỳ khi nó đã phải vất vả chiến thắng trong một cuộc thi để giành được chúng. Trong mắt đứa trẻ, những người thân của chúng hóa ra giờ đây biến thành “Kẻ bắt nạt”. Khi một đứa trẻ chơi xong đồ chơi của mình, chúng ta bắt bé phải tự xếp gọn đồ lại với lý do “Cần phải có trách nhiệm/bảo quản thứ đồ chơi của mình”, và sau đó chúng ta lại dẫm lên cái quyền bảo quản đồ chơi của bé! Ôi, đến chính người lớn đôi khi còn giữ kỹ, không sẵn sàng cho mượn những đồ dùng cá nhân – đặc biệt là những vật có ý nghĩa với mình kia mà!
Và tôi đã dành ra một khoảng thời gian rất dài sau đó, để chia sẻ với ba mẹ và cậu bé về câu chuyện chia sẻ đồ chơi.
Đầu tiên, chúng ta phải để trẻ hiểu rằng cuộc sống nghĩa là không phải “Muốn gì được nấy”. Nếu chúng ta yêu cầu trẻ nhường món đồ chơi cho ai đó chỉ bởi vì phía đối diện đang mè nheo, thì cũng có nghĩa rằng chúng ta dạy cho trẻ hiểu rằng: “Mọi thứ có thể đạt được nhờ sự vòi vĩnh, ỉ ôi, thậm chí dọa nạt”. Ồ, đời không như thế! Tôi dạy cháu cách để hỏi xin bạn với thái độ chân thành, lịch sự, và quan trọng là “cười tươi trìu mến” mỗi khi hỏi mượn bạn một món đồ chơi nào đó. Tôi cũng nói với đứa bé rằng hãy kiên nhẫn, bởi vì điều này có thể mất thời gian – người đối diện có thể đắn đo hoặc còn muốn tiếp tục chơi với món đồ ấy. Và trong trường hợp xấu nhất, cậu bé hoàn toàn có thể không có được món đồ của mình: “Ồ, chàng trai ạ. Cháu nghĩ thế nào nếu chính cháu được hỏi mượn, và cháu chưa muốn chia sẻ món đồ đó với người bên kia? Mỗi đứa trẻ đều có quyền với món đồ chơi của mình, đôi khi chúng ta phải chấp nhận. Cháu nghĩ thế nào nếu món đồ chơi cháu quý bị bạn lấy mất?”. Đứa trẻ sẽ hiểu được và hoàn toàn dừng gây sức ép ngay. Dĩ nhiên, đôi khi trẻ sẽ không biết cách mở lời hỏi xin đồ chơi thế nào. Khi đó phụ huynh sẽ phải là người ra mặt hỏi giúp chủ nhân món đồ chơi, hoặc sẽ phải dỗ trẻ nhà mình bằng cách cùng chơi một món đồ khác. Dạy được trẻ hiểu rằng đời không phải lúc nào cũng thuận theo ý chúng, cũng là cơ hội để phụ huynh dễ dàng khuyên răn con hơn khi chúng mè nheo đòi mua đồ chơi mới.
“Hoặc, cháu có thể thử một cách này xem sao? Đề nghị rằng cháu có món đồ chơi nào đó, và muốn trao đổi với người đối diện. Biết đâu món đồ mà cháu quý cũng sẽ thuyết phục được cậu bé cháu chơi cùng chăng?”. Với tôi, trẻ nhỏ chơi với nhau, chia sẻ đồ với nhau luôn là điều tốt vì như thế tạo nên thói quen hòa đồng, chia sẻ, và sẵn sàng giao lưu với nhau của những đứa bé. Và tôi cũng nghĩ rằng hãy chỉ cho trẻ cách chú ý nụ cười, sự thân thiện..khi người đối diện nhận được sự chia sẻ của trẻ. Chính điều đó sẽ tạo động lực cho đứa trẻ sẵn sàng chia sẻ nhiều điều khác trong tương lai.
Sau cùng, với trường hợp đứa trẻ nhà mình là người được mượn đồ, chứ không phải người đang đi mượn. Tôi nói với bố mẹ chúng rằng hãy dạy trẻ cách để phân biệt những món đồ chơi của mình: Món đồ nào trẻ cảm thấy muốn giữ riêng vì quý chúng – chỉ muốn chơi một mình chưa muốn chia sẻ; Và những món đồ mà trẻ nghĩ rằng có thể bày ra công khai để chia sẻ với mọi người, hoặc trẻ nghĩ rằng khi cùng bạn bè chơi chung sẽ tạo không khí vui vẻ hơn. Đừng nghĩ rằng đó là một lựa chọn hẹp hòi và xấu bụng, ngay chính người lớn chúng ta cũng có những món đồ quý giá không thể chia sẻ được. Chiếc iPhone XS Max của người lớn quý giá như nào thì đứa trẻ con cũng quý chiếc ô tô chạy pin của nó thôi.
Và còn nhiều câu chuyện khác nữa mà tôi đã chia sẻ với cháu mình và với người chị của tôi. Trên hết, tôi nghĩ rằng, trong thời buổi bận rộn, đôi khi các bậc phụ huynh của chúng ta quên mất rằng việc dạy con cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Và một điều quan trọng nữa, là tôn trọng trẻ. Dạy trẻ tự lập cũng có nghĩa là những lúc cần thiết, ta phải để trẻ được tự đưa ra lựa chọn của mình: Giữ món đồ chơi hoặc chia sẻ với ai, hay những ai…Thực ra tôi nghĩ rằng chúng ta đừng nên dạy trẻ dĩ hòa vi quý đến nỗi luôn phải lắng lo áp lực về những yêu cầu của người khác. Tôi tin rằng mình sẽ để con nhường đồ chơi cho bạn bè, anh em; Rằng anh em thì nên được “Ưu tiên” hơn (dù chỉ chút xíu) như thế nào? Mà nếu trẻ nhất nhất không chịu chia sẻ một món đồ chơi đặc biệt nào đó, thì cũng chẳng sao. Tôi từng chứng kiến gia đình người Đức dạy đứa trẻ ba tuổi ăn bằng cách để cháu tự xúc thức ăn. Cả trăm thìa đầu có thể rơi rớt tùm lum, thức ăn có thể đưa lên mũi, lên trán..nhưng kiểu gì cũng có một lần vào mồm! Tôn trọng quyết định của trẻ cũng chính là cơ hội để trẻ có thêm nhiều trải nghiệm, từ đó biết cách ứng xử với cộng đồng một cách tốt và hợp lý nhất – Khiến cho trẻ cảm thấy được dành tình cảm, cũng như giành được nhiều tình cảm nhất. Có thể đôi lúc, trẻ sẽ cảm thấy buồn bực và băn khoăn khi không có được điều mình mong muốn. Khi đó, cha mẹ sẽ là người có trách nhiệm định hướng, gợi ý giải pháp để trẻ vượt qua được nỗi tâm tư của mình.
Một đứa trẻ muốn trưởng thành nhanh phải được tự mình trải nghiệm bởi trăm nghe, trăm dạy thì cũng không bằng một lần thực hành trực tiếp. Tôi tin rằng điều kiện tiên quyết để trở thành một ông bố, bà mẹ hoàn hảo…là không bao giờ ép buộc con mình làm một điều gì đó, trong khi chính chúng lại không hiểu vì sao mình phải làm như vậy.
Muốn đứa trẻ kiên nhẫn và sáng suốt, bản thân các bậc phụ huynh cũng phải kiên nhẫn và sáng suốt khi chia sẻ!
Dù sao, tôi đã vui cả ngày hôm nay khi nhận được lời cảm ơn từ chị mình. Bởi chàng trai của tôi nhiều năm nay luôn được bạn bè yêu quý, chia sẻ và được chia sẻ nhiều món đồ chơi thú vị giúp cuộc sống những năm thơ bé thêm phần phong phú.
Một năm thành công!