Bài học nhân văn đầu tiên

‘Nhân chi sơ, tính bản thiện’, bất cứ đứa trẻ nào khi sinh ra đều mang trong mình sự yêu thương, bản năng chia sẻ và hòa đồng với mọi người. Nhưng chính cách dạy trẻ sai lầm của chúng ta hằng ngày đã dần hình thành trong trẻ sự ích kỷ.

Đã bao nhiêu lần bạn phải nghe trẻ nói những câu như: “Mẹ ơi, con muốn món đồ chơi. Mẹ nói bạn nhường đồ chơi cho con đi”. Hay khi tranh giành điều gì đó với anh mình, trẻ thường gào khóc nếu không đạt được điều mình muốn, như xem chương trình mình yêu thích, ăn miếng bánh ưng ý… Nhiều bậc phụ huynh khi đối diện với tình huống ấy, dù chưa rõ sự tình vẫn thường cố gắng bảo vệ cho con mình. Theo thời gian, khi tính ích kỷ và mong muốn chiếm hữu đã hình thành trong trẻ. Bé sẽ luôn đòi hỏi và bắt buộc có được những điều mình thích, kể cả có phải gây sự, tranh giành với các bé khác vì tin rằng mình luôn phải là người đứng đầu và không thể chờ đợi. Chính thói xấu từ thuở chập chững đã hình thành nên tâm lý “nhường nhịn thường thua thiệt”, mà ngày nay chúng ta chứng kiến rõ nhất là ở “văn hóa xếp hàng” của người Việt.

Thực ra, sự ích kỷ và “chiến thắng” ấy chỉ đem lại cái lợi cho trẻ trong phút chốc. Đổi lại là sự xa lánh, ghét bỏ của bạn bè vì chẳng ai thích chơi với một kẻ thích gây sự và không biết chia sẻ. Lớn lên, bé sẽ trở nên lạc lõng khi đi học, đi làm, tham gia các hoạt động đội nhóm – nơi mà các ý kiến và lợi ích tập thể được đặt lên hàng đầu, bỏ lại đằng sau cái tôi cá nhân.

Vậy làm cách nào để dạy trẻ sự nhường nhịn? Mỗi người có một cách riêng. Cá nhân tôi dạy trẻ bằng việc xây dựng văn hóa xếp hàng: Khi đi mua hàng, hãy dạy bé cách chờ đợi để đến lượt mình thanh toán. Khi nhìn thấy một người bạn khác đang chơi món đồ mình yêu thích, hãy chờ đợi và nói với bạn rằng: “Khi nào chơi xong, bạn nhường lại cho mình chơi nhé?”. Chỉ một thời gian sau, trẻ sẽ học được sự kiên nhẫn và nhường nhịn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chính bản thân bạn cũng phải thật kiên nhẫn. Bởi bản tính trẻ nhỏ luôn nóng vội và sẽ rất khó kéo trẻ về khuôn phép. Đồng thời, hãy giúp cho trẻ hiểu được giá trị và lợi ích thực sự của việc nhường nhịn, thay vì khiến cho trẻ ấm ức bởi một câu quy kết vội vàng như: “Hãy nhường em vì con lớn hơn em”, “Hãy nhường bạn vì con đã có nhiều đồ chơi đẹp”. Trẻ sẽ chỉ cảm thấy sự không công bằng và ai biết rằng sau lưng bạn, trẻ sẽ làm gì để “đòi lại sự công bằng” ấy!

Tôi cũng chỉ dạy bé theo cách chỉ bảo, giảng giải. Đối với trẻ, tuyệt đối không được áp đặt. Hãy dạy trẻ về ý nghĩa thực sự và khi nào nên nhường nhịn, chẳng hạn như: “Con hãy nhường chị ấy vì chị ấy đang có em bé” hoặc “Hãy chú ý nhường nhịn và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn con nhé”. Vì nhường nhịn không có nghĩa là biến trẻ thành một kẻ ngốc, nhu nhược luôn phải chấp nhận sự áp đặt của người khác hoặc chỉ miễn cưỡng thể hiện sự nhường nhịn.

Trẻ thơ rất trong sáng và giàu tình cảm, do đó, nếu biết khơi dậy tình yêu thương và sự vị tha của trẻ, bé sẽ luôn biết nhường nhịn và quan tâm bằng tình cảm chân thành của mình. Cổ nhân đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy con bài học nhường nhịn cũng có nghĩa là bạn đã dạy con một trong những bài học quan trọng nhất của cuộc đời trước khi bé được chính thức bước chân vào trường học.