NSƯT Chí Trung: “Đây chính là thời điểm Nhà hát phục vụ những món ngon”

Lại một mùa kịch Lưu Quang Vũ nữa tới gần, chúng tôi có dịp trò chuyện với NSƯT Chí Trung – Đạo diễn vở kịch “Tin ở Hoa hồng” và được nghe anh trải lòng về công tác thực hiện hoạt động truyền thông của Nhà hát Tuổi trẻ, sự tâm huyết và chú trọng về phát triển chất lượng nội dung vở kịch và năng lực diễn viên của Nhà hát, đồng thời hé mở dự kiến của Nhà hát về việc bán vé xem các vở diễn trực tuyến trong tương lai… 

Xen lẫn lịch làm việc cuối tuần tại Nhà hát, ông Phạm Chí Trung, NSƯT, Giám  đốc Nhà hát Tuổi trẻ vẫn sắp xếp cho tôi những phút chia sẻ thật cởi mở. Ông  chia sẻ, mùa bận rộn nhất năm lại tới rồi, tất cả anh em nhà hát đều đang miệt  mài chuẩn bị cho những vở diễn quen thuộc chào mừng “Tháng kịch Lưu Quang Vũ”, đi cùng với đó là những vở diễn rất mới phục vụ các bạn trẻ như  “Trại hoa vàng”, “Bộ cảnh phục”. 

Trò chuyện với chúng tôi, Ông Trung nhấn mạnh về sự cần thiết sử dụng các  công cụ truyền thông trong việc quảng bá các hoạt động của Nhà hát. Tuy nhiên  điều quan trọng nhất vẫn luôn phải là chất lượng nội dung của vở kịch. Dù vậy, Ông tin tưởng vào một tương lai tiếp tục đỏ đèn sớm tối của Nhà hát, bởi theo Ông, Nhà hát đang sở hữu những thế hệ Đạo diễn, Biên kịch và Diễn viên xuất sắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố Tâm – Nhân – Kỹ…

Tác giả bài báo chụp hình cùng NSƯT Chí Trung

PV: Thưa Ông, xin Ông đánh giá về tầm quan trọng của công tác truyền thông trong các hoạt động biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam?

NSƯT CHÍ TRUNG: Các bạn chắc chắn từng chứng kiến, hoặc nghe kể về nét đẹp của những làng nghề truyền thống: Những nghệ nhân miệt mài tạo nên những sản phẩm đẹp ở làng gốm Bát Tràng, hay người thợ cả đóng được bộ đồ gỗ rất chất lượng tại làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. 

Sân khấu cũng vậy, chúng tôi là một ngành, một nghề truyền thống, và tôi tự hào chia sẻ rằng Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những nhà hát đi đầu trong công  tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống tốt đẹp  này. Dĩ nhiên, cũng giống như tất cả những làng nghề khác, chúng tôi không thể chỉ sống dựa vào danh tiếng của thương hiệu lâu năm sẵn có. Nhà hát ý thức việc muốn tồn tại và giữ vững uy tín thì chúng tôi cũng phải, từng phút một cập nhật thêm kiến thức để nâng cao giá trị, chất lượng nội tại.  

Giá trị nội tại luôn là quan trọng nhất. Tuy nhiên ở vào thời đại công nghệ hiện nay, không chỉ cần làm tốt về mặt sản phẩm mà cũng cần phải biết quảng bá  nữa. Tôi lấy ví dụ trong suốt quãng thời gian mấy chục năm trên sân khấu kịch, tôi từng diễn những vai rất khó như Othello, Romeo, Edop….Thế nhưng khán giả lại không dành sự quan tâm, yêu mến với tôi qua những vai diễn ấy nhiều bằng những vai Táo Giao thông, Táo Quan chức hay một vài bộ phim truyền hình, mặc dù thực ra những vai ấy đơn giản hơn rất nhiều. Bạn hiểu vì sao chứ? Bởi vì mặc dù công sức, tâm huyết mình bỏ ra ít hơn, nhưng nhờ quảng bá nên  khán giả nghe đến, biết đến, rồi họ quan tâm, họ đón xem, và họ thích mình. Vậy nên nếu những vở diễn hay, vở diễn chất lượng…mà được truyền thông, quảng bá một cách hợp lý thì chắc bạn biết kết quả rồi đấy!

Nhìn rộng ra thì tất cả mọi mặt của cuộc sống đều như vậy, nếu không áp dụng  công nghệ, không áp dụng truyền thông thì giá trị của bạn, của đơn vị bạn, của ngành hàng bạn sản xuất sẽ không được xã hội biết đến, hoặc biết đến nhưng không đầy đủ. Có khi chẳng phải kinh doanh gì, ngay kể cả trong cuộc sống thường ngày mà một người không hề cập nhật gì trên Facebook, Zalo, Instagram…thì đến ngay cả người thân, bạn bè của họ cũng chưa chắc đã hiểu hết về họ, và bởi vì không hiểu hết cái hay, cái đẹp của họ nên đôi khi con người đó sẽ chẳng được ai quan tâm, sẽ bị lãng quên. 

Chính vì ý thức được giá trị quan trọng của truyền thông nên trong suốt những năm làm quản lý, tôi luôn rất chú trọng công tác truyền thông của Nhà hát. Ngay từ năm 2013, khi tôi làm PGĐ cho NSND Trương Nhuận, rồi đến năm 2017 khi tôi nhận công tác phụ trách Nhà hát, sự quan tâm của tôi cho công tác truyền  thông là rất lớn và có thể nói: Tôi luôn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho  truyền thông. Đấy, tôi nói ví dụ về một cô gái bán chè. Nếu cô ấy biết PR đúng cách thì không những có thể nói hết mà còn nâng tầm giá trị của bản thân và ngành hàng cô ấy kinh doanh, lúc ấy không chỉ ở đầu xóm mà làng bên, rồi du khách tỉnh khác họ cũng sẵn sàng vượt đường xa tới thưởng thức chè của cô. “Đắt khách” hay không là ở chỗ biết truyền thông đấy! 

“Cũng cần hết sức lưu ý: Cốc chè không ngon nhưng lại quảng cáo rất hay, thì chắc chắn là đóng cửa quán sớm!“ 

Bạn biết sợi dây thừng chứ? Dây thừng bền chắc là bởi hai sợi đan xen, song hành chắc chắn với nhau. Đó cũng chính là mối quan hệ giữa truyền thông và chất lượng sản phẩm. Ở đây chúng tôi làm kịch nên điều chúng tôi nhắc tới là chất lượng nội dung vở kịch, và sâu hơn là chất lượng diễn viên. Nhiều bạn chắc đã từng ăn, hoặc nghe về lẩu băng chuyền. Tôi lấy ví dụ bây giờ làm truyền thông, đặc biệt là truyền thông mới, thì mạng xã hội chính là một dạng phương tiện dùng công nghệ để trưng bày, truyền tải, giống như cái băng chuyền để trưng bày cho khán giả thấy những sản phẩm của Nhà hát. Băng chuyền hoạt động trơn tru mà các sản phẩm trưng bày lại không tốt, không đổi món liên tục, đĩa sau khác đĩa trước thì không những không lôi cuốn được khán giả mà còn làm khán giả quay lưng. Điều ấy cũng lý giải vì sao mỗi năm có hàng loạt các ngôi sao sớm nở tối tàn, bởi vốn dĩ sản phẩm của họ không tốt. Tôi khẳng định: Người ta có thể quan tâm đến những thứ rất lạ, thậm chí là phản cảm (nên nhiều người mới cố tạo scandal để đánh bóng bản thân), nhưng bản chất con người ai cũng hướng tới: Chân, Thiện, Mỹ, nên những trái thói kia chắc chắn không tồn tại được lâu. Sân khấu chính là một trong những nghề dịch vụ phản ánh đúng và phản ánh sâu sắc nhất cái nét: Chân – Thiện – Mỹ ấy, không phải cứ xinh đẹp, cao ráo thì lên sân khấu được đâu. 

“Đây chính là thời điểm phù hợp nhất để Nhà hát bày  lên những món ngon nhất phục vụ khán giả cả nước!” 

PV: Vậy cụ thể, Nhà hát Tuổi trẻ đã thực hiện các hoạt động truyền thông ra sao, thưa Ông? 

NSƯT CHÍ TRUNG: Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi căn cứ vào từng giai đoạn cụ thể để có phương án truyền thông phù hợp. Cách đây ba năm, tôi có nói với anh em trong Nhà hát rằng chúng ta hãy xây dựng băng chuyền, nhưng chưa sử dụng vội. Bởi vì nói thật lúc đấy tôi thấy chất lượng chưa có, chương trình chưa đổi mới, sân khấu tập trung ngồi còn bị vướng về một hướng, chứ không phải là sân khấu dễ chịu, thoải mái, vui vẻ như hiện nay. Đảm bảo được đầy đủ chất lượng, nội dung và hình thức thật tốt thì tôi mới bắt đầu bày sản phẩm lên “băng chuyền truyền thông” cho khán giả cùng thấy. Đó là lý do bắt đầu từ khoảng một năm trở lại đây tôi mới cho triển khai các mục như bán vé online, đẩy mạnh truyền thông trên Website, Fanpage Nhà hát, Facebook diễn viên. Tôi cũng cho làm những visual khoảng 2 phút để tải lên facebook, và xây dựng các chiến dịch truyền thông cụ thể 5 ngày 1 lần, 4 ngày 1 lần, 3 ngày 1 lần, đảm bảo đăng những nội dung khác nhau nhưng cũng phải luôn mới, luôn cập nhật. Ví dụ 6 bài báo chúng tôi cũng cần 6 “tít” khác nhau và cố gắng khai thác theo sáu cách tiếp cận dù chỉ là truyền thông cho một vấn đề. 

Gần đây, tôi đã chia nhỏ tệp khách hàng dựa theo nhóm tuổi: Thiếu nhi (3-7; 7- 12; 12-15); Thanh niên (16-21; 21-22; 22-27; 27-30); Trung niên (từ 30 trở lên)…và tiến hành truyền thông theo phân khúc thị trường, theo nhóm tuổi để có hiệu quả cao hơn, nghĩa là khán giả sẽ đọc được những nội dung quảng cáo đúng – trúng với nhu cầu họ quan tâm hơn. Dĩ nhiên, song hành với đó tôi phải cực kỳ quan tâm đến chất lượng, nội dung của từng vở diễn. Quan điểm của Nhà hát Tuổi trẻ là trước tiên – cái cốt lõi nhất phải là chất lượng của vở kịch, chất lượng có tốt thì khi diễn mới tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng và lúc ấy tự khắc một nói mười, mười nói trăm, truyền thông truyền miệng sẽ giúp chúng tôi đỏ đèn thêm nhiều vở diễn tiếp theo. Ngược lại: Truyền thông mạnh, chất lượng kém thì đó là cách nhanh nhất để diệt vong.  

Mời được khách tới Nhà hát là điều vô cùng quan trọng, nhưng tôi cũng đặc biệt quan tâm xem đến lúc ra về thì khán giả nghĩ gì, còn gì đọng lại trong tâm trí  của họ: Chất lượng vở diễn, giá thành…Vì vậy, ít khi tôi đón khán giả vào mà tôi thường hòa vào dòng người ra về để lắng nghe xem họ chia sẻ gì. 

Người ta nói rằng, trong tất cả các phương tiện truyền thông thì truyền mồm mới là quan trọng nhất. Bởi vì phương tiện truyền thông truyền thống là truyền mồm, tức là anh đi xem phim về anh thấy hay, thấy thích và khuyên em nên đi xem bộ phim đó. Rồi chỗ này ăn ngon, chỗ kia quần áo đẹp… thì em sẽ thử tới đó, và nếu chất lượng đúng theo kỳ vọng của em thì em sẽ tiếp tục truyền lại cho những người khác, nhưng nếu không được như vậy thì sẽ thành ra phản tác dụng. Vì vậy, tôi luôn luôn nhấn mạnh truyền thông quan trọng nhưng nội dung bên trong càng quan trọng hơn nữa.  

Dĩ nhiên, như đã chia sẻ, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của quảng bá, chúng tôi quảng bá trên website của Nhà hát, trên facebook của Nhà hát, trên Fanpage của Nhà hát, trên Zalo của Nhà hát và toàn bộ tất cả hệ thống các diễn  viên. Tất cả nội dung truyền thông được chúng tôi duyệt cực kỳ kỹ và triển khai đưa lên các phương tiện mạng xã hội một cách rất bài bản, theo kế hoạch  nghiêm chỉnh.  

Có nhiều người tư vấn cho tôi về việc mua tin nhắn quảng cáo như một cách để có thể quảng bá tới khán giả nhanh nhất, nhưng tôi biết có nhiều người cảm thấy rất phiền khi nhận được quá nhiều tin nhắn quảng cáo mỗi ngày, nên tôi không làm thế. Chúng tôi cũng không cần đầu tư tới cả hàng trăm băng rôn, phướn..như một vài đơn vị khác 

Nhà hát chúng tôi luôn hướng tới ngày càng chuyên nghiệp hơn trong chất  lượng chương trình. Để làm được điều đó thì nhân cách của nghệ sĩ, cũng như nhân sinh quan và thế giới quan của người nghệ sĩ cũng phải giữ vững thì mới có thể ra được những tác phẩm để đời, đem lại giá trị sâu sắc khác hẳn với những tác phẩm chụp giật, vay mượn chắp vá nội dung kịch bản như khá nhiều video đăng trên Youtube của các “giang hồ mạng” bây giờ. Có thể thoạt đầu mới xem thì một số người thấy lạ, thấy hơi thinh thích, nhưng về lâu về dài thì tất cả con người chúng ta đều hướng đến cái đẹp, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ như tôi đã chia sẻ. Đó cũng là lý do những vở kịch do Nhà hát chúng tôi xây dựng luôn quan tâm và đề cao các vấn đề thực tế: Con người – Tình yêu – Gia đình. Những chủ đề đó là những chủ đề được khán giả quan tâm trường tồn theo năm tháng. 

Xã hội ngày càng phát triển, sự lựa chọn ngày càng nhiều. Vì vậy, các ngành nghề, các đơn vị đều phải chấp nhận một sự thật rằng có thể ngày xưa anh có 10 triệu khách hàng, nhưng bây giờ chỉ còn 1 triệu thôi. Tuy nhiên đầu tiên chúng tôi ý thức rằng nếu phục vụ khán giả tốt, chất lượng vở diễn hay, các nghệ sĩ thực sự giỏi, thực sự thổi hồn được vào vai diễn thì chắc chắn sẽ giữ lại được rất nhiều khán giả trung thành. Khán giả tới Nhà hát sẽ luôn giống như một thực khách tới Nhà hàng: Họ tới để thưởng thức một món ăn ngon, để gặp gỡ và trao đổi, bàn luận với những người cùng sở thích… 

Có bạn phóng viên hỏi tôi rằng liệu sau này khi tôi, chị Vân Dung, chị Minh Hằng, anh Đức Khuê…lần lượt nghỉ diễn thì các bạn trẻ có “gánh” được sân  khấu Nhà hát Tuổi trẻ không? Tôi khẳng định các bạn trẻ đã, đang và sẽ luôn luôn làm rất tốt! 

Sân khấu cũng như giống như cuộc đời, mà cuộc đời thì mỗi lúc mỗi khác. Các  bạn trẻ cập nhật xu thế mới nhanh hơn. Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng dàn diễn viên Nhà hát phải thật chỉn chu, hội tụ đủ ba yếu tố: Tâm (đặt cái tâm vào  vở diễn, cống hiến hết mình), Nhân (nhân cách con người của diễn viên dù trong hay ngoài sân khấu đều phải thật tốt), Kỹ (kỹ năng sân khấu phải chuẩn  chỉnh). Những bạn trẻ như Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Thanh Sơn…đem đến nhiều khán giả mới cho Nhà hát chúng tôi lắm. Bởi vì các bạn ấy giỏi thật sự! Có những cái mình diễn giải cả tiếng đồng hồ nhưng các bạn chỉ cần nói hai câu thôi. Các bạn ấy trẻ hơn, nhìn nhận vấn đề nhanh hơn nhiều. Người trẻ hợp với  thời thế mới. Khán giả từng thời kỳ có nhu cầu riêng, dàn diễn viên cũng vì vậy phát triển cho phù hợp theo. 

“BÁN VÉ XEM VỞ DIỄN TRỰC TUYẾN LÀ XU  HƯỚNG CỦA TƯƠNG LAI” 

PV: Trong tương lai, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ vẫn tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ vào hoạt động biểu diễn chứ ạ? 

NSƯT CHÍ TRUNG: Trong tương lai, chúng tôi sẽ cân nhắc nghiêm túc việc công diễn các vở kịch theo hình thức trực tuyến (diễn online). Việc này phải  được cân nhắc hết sức kỹ bởi vì quan điểm của Nhà hát Tuổi trẻ là sân khấu phải có hơi thở của khán giả, chính sự nhiệt tình và hồ hởi của khán giả tạo nên sức sống cho sân khấu.  

Tuy nhiên đây là thời điểm chúng ta phải sống chung với đại dịch, vì vậy đi cùng với học trực tuyến, làm việc trực tuyến thì bán vé xem vở diễn trực tuyến  cũng sẽ là xu hướng mới trong tương lai. Dù vậy, trong trường hợp phát trực tuyến vở diễn, Nhà hát sẽ tính toán thật kỹ lưỡng để đảm bảo khán giả có trải nghiệm tốt nhất về góc quay, nội dung đảm bảo vẫn ấn tượng, sâu sắc…Chúng tôi khẳng định luôn đặt khách hàng làm trọng tâm trong công tác hoạt động, biểu diễn phục vụ! 

PV: Xin cảm ơn Ông về những chia sẻ này!