Ăn chè đậu đỏ trong lễ Thất tịch – Không phải tục lệ văn hoá của người Việt!
Nhiều người cho rằng việc ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ giúp tìm được người yêu, tạo ra trào lưu rầm rộ tại Việt Nam những năm vừa qua. Hoạt động này được thúc đẩy và bùng phát bởi sự phát triển của mạng xã hội, đồng thời các chủ đề về người độc thân, các cách thoát “ế” thì ngày càng được quan tâm.
Mặc dù vậy, có một thực tế rằng, hành động ăn chè đậu đỏ trong lễ Thất tịch vốn không phải là tục lệ văn hóa của người Việt Nam
, mà do được du nhập và biến tấu từ Trung Quốc
.


Cụ thể, vào ngày Thất tịch tại Trung Quốc, nam giới tặng hạt hồng đậu (loại đầu màu đỏ tươi, có độc tính, không dùng làm thực phẩm) cho người yêu thay lời thề thủy chung, son sắt. Hồng đậu sinh trưởng ở miền nam Trung Quốc, phân bố nhiều tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Vân Nam… hạt của nó nhỏ xinh có thể chế tạo thành đồ trang sức cài lên tóc hay kết thành dây chuyền, vòng tay, hoa tai. Nữ giới thì đeo loại hạt này với ước vọng cầu mong hạnh phúc, tìm được người trong mộng.
Theo truyền thuyết, Hồng đậu trở thành tín vật của tình yêu bắt nguồn từ câu chuyện tình chung thủy: “Ngày xưa, có đôi vợ chồng vừa lấy nhau thì người chồng phải tòng quân đi chinh chiến chốn sa trường. Người vợ ngày ngày đứng tựa cửa, mỏi mắt mong đợi chồng về. Cô càng mòn mỏi đợi chờ thì bóng dáng người chồng càng chẳng thấy đâu. Cứ như vậy, người thiếu phụ chờ đợi và hy vọng trong những giọt nước mắt. Đến khi những giọt lệ của cô trở thành những giọt máu nhỏ xuống đất, từ mảnh đất ấy, cây hồng đậu được sinh ra”.
Sinh trưởng từ nỗi khổ tương tư, từ những nhớ thương khôn xiết. Nỗi nhớ tương tư da diết đó cũng là nỗi âm ỉ đẹp đẽ nhất mà chỉ có những trái tim nhiệt huyết và yêu nhau sâu sắc mới cảm nhận được. Cũng từ đó, Hồng đậu trở thành tín vật tình yêu của người Trung Hoa. Cụm từ “Hồng đậu sinh nam quốc” cũng chính là câu đầu của một bài thơ nổi tiếng do nhà thơ Vương Duy thời Đường viết nên – Bài thơ có tên là “Tương tư”:
“Đậu hồng sinh ở miền nam
Đến xuân lại nẩy thêm cành tốt tươi
Mong sao chàng hái cho nhiều
Bao nhiêu đậu ấy bấy nhiêu nặng tình”.
Mặc dù vậy, do cách gọi “hạt hồng đậu” đồng âm với “hạt đậu đỏ”, nên khi du nhập vào Việt Nam, nhiều người đã nhầm lẫn, cho rằng ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ tìm được người yêu, tạo ra trào lưu này diễn ra rầm rộ mấy năm vừa qua. Hoạt động này được thúc đẩy và bùng phát bởi sự phát triển của mạng xã hội, đồng thời các chủ đề về người độc thân, các cách thoát “ế” thì ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực thì đậu đỏ có màu sắc đẹp, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc nên đó cũng có thể là lý do khiến nhiều người tin rằng ăn loại đậu này có thể tăng may mắn, giúp mọi việc suôn sẻ, đường tình duyên thuận lợi.