Chia sẻ về giữ lời hứa, phụ bạc, dối trá

(Nguyễn Minh Quân – nguyên chủ tịch CLB Kỹ năng Sống ĐH FPT chia sẻ trong một buổi hội thảo năm 2013)
“Tôi từng nhận được rất nhiều lời hứa hẹn, rất nhiều, và chính tôi, dù luôn cẩn mực hết sức, cũng từng có những lần thất hứa không mong muốn. Nhưng vô tình hay cố ý thì việc không giữ lời ấy cũng đem lại nỗi buồn, và cả nỗi đau cho người khác. Thậm chí kể cả khi đã cố đặt mình vào vị trí của đối phương để cảm nhận, thì cũng sẽ có những nỗi đau mà bạn không thể cảm nhận hết được. Nhưng lòng tham nổi lên, sự kỳ vọng chiếm đoạt, hay ít nhất là để cho được việc, phục vụ cái lợi trước mắt, hoặc giả như chỉ đơn giản là miễn sao không làm mất lòng người đối diện, khiến cho người ta sẵn sàng hứa đại, hứa “để dành”, thậm chí cả việc mà họ không thể làm được, hoặc không/chưa muốn làm.
Nói mà biết chắc không thể làm hoặc không/chưa muốn làm thì chẳng khác gì lừa đảo cả. Cổ nhân đã dạy: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Mỗi người học cách chịu trách nhiệm với lời nói của mình, cũng chính là tự cứu sống bản thân mình vậy….”
[Khán giả hỏi] : “Thưa anh, khi thất hứa rồi thì mình phải làm sao?”
“Khắc phục hậu quả, và trước đó là một lời xin lỗi. Tôi nhìn thấy nhiều người rất khó mở lời xin lỗi, họ cho rằng đó không phải lỗi của họ mà vì một nguyên nhân gì đó khác, hoặc chẳng qua là chưa muốn làm. Họ thậm chí cho rằng người đối diện đã quá hà khắc. Nhưng khi chúng ta đặt mình vào đối phương, và biết chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, thì chúng ta sẽ hiểu những lúc nào thực sự cần xin lỗi”.
[Khán giả hỏi]: “Với những người thất hứa, ta nên có thái độ thế nào?”
“Mỗi người có một quan điểm riêng. Tôi nghĩ thế này: khi người ta trao đi một thứ gì đó cho bạn và trông đợi vào một điều gì đó khác, thì nghĩa là người ta đã dành ít nhiều tình cảm cho bạn rồi. Và trong cái tình cảm ấy, chắc chắn bao gồm sự bao dung. Vậy nên nếu như chỉ vì một lý do khách quan mà bạn thất hứa, thì tôi tin rằng người đó, hay cả chính tôi vậy, cũng sẽ vui lòng chấp nhận, thậm chí lo cả cho những khách quan mà bạn đang gặp phải. Nhưng nếu sự thất hứa đó chỉ là vì bạn chưa, hoặc không muốn làm điều ấy. Thì tôi nghĩ rằng mọi việc đã trở nên nghiêm khắc hơn, đấy là khi niềm tin đặt sai chỗ và tôi cho rằng hãy đừng dành thời gian cho sự kỳ vọng, cũng như con người ấy nữa. Đơn giản là họ không xứng đáng, và việc bạn tiếp tục kỳ vọng không khác gì bạn đang đâm đầu vào tường cả.
Người ta hay nhắc đến Đạo Phật với khái niệm “buông bỏ”, tôi rất ủng hộ. Nhưng hãy nhớ rằng cũng có cả “nhân quả”: con người ta đến với nhau là do duyên phận, dành tình cảm, quan tâm cho nhau cũng là duyên phận: bố mẹ, vợ chồng, hay cả những người bạn đều là duyên phận cả. Bạn phụ bạc nó, lừa dối và hời hợt với nó cũng chính là bạn đang gieo duyên ác. Mà bạn biết đấy, “gieo gió” thì “gặt bão”. Vậy nên, người bị thất hứa cũng đừng lấy sự thất vọng mà buồn bực, bởi đời công bằng, đừng chỉ cố buông bỏ mà trong lòng vẫn ấm ức. Thậm chí trong nhiều trường hợp cần thiết, bạn sẽ cần yêu cầu kẻ thất hứa hoàn thành tròn phận sự của mình, deadline teamwork là một ví dụ. Tôi không cho rằng kẻ thất hứa đáng được “tha bổng” nếu như họ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tôi cũng cho rằng với người không giữ lời, hoặc phụ tình cảm của người khác, thì ắt một ngày cũng sẽ gặp điều tương tự. Cái này là sách vở dạy, không phải tôi lên mặt với các bạn. Còn nếu không thể đón nhận một mối quan tâm hay giữ được lời hứa đó, hãy chọn cách nói thẳng, bày tỏ quan điểm của mình càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng thời gian bạn im lặng càng lâu, càng làm đối phương chờ đợi và thậm chí hỏng việc, đấy cũng là gieo duyên ác đấy. Bạn còn nhớ tướng ta từng nói câu gì không: “Không sợ kẻ địch như vũ bão, chỉ sợ kẻ địch gặm nhấm từng chút một….”. Dứt khoát sẽ tốt hơn chần chừ, nhất là trong một công việc cụ thể”
[Khán giả hỏi]: “Ý anh là không thể tha thứ cho kẻ cố tình thất hứa?”
“Tôi không nói vậy. “Quay đầu là bờ” mà. Người ta đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại cả. Chúng ta luôn luôn chào đón một người hướng thiện, nhưng đừng cố chấp với những kẻ phụ bạc, thiếu quyết đoán. Với những người này, nếu như không ảnh hưởng gì đến công việc/quyền lợi để buộc họ phải “chịu trách nhiệm”, hãy cứ lặng lẽ mặc kệ họ. Hoặc bạn cũng có thể cho họ một bài học thay người khác xem sao: “Cao nhân tất hữu, cao nhân trị” mà. Nhưng tôi không khuyến khích việc đó: Bí quyết để hạnh phúc, một phần cũng chính là lánh xa những điều gây đau khổ đấy.”