Tuổi tác không làm nên sự trưởng thành

Em gái học sau tôi một khóa vừa nghỉ việc. Thời buổi cạnh tranh, không dễ tìm được sự yên bình thật lâu ở một nơi, nhưng cũng không có nghĩa một năm thay ghế tới bốn lần. Hỏi rằng tại sao em nghỉ, em đổ tại nhiều điều, rằng công ty nhỏ quá, mà công ty nhỏ quá thì một lúc em ôm nhiều việc, ôm nhiều việc thì mệt, và mệt thì em không vui. Không vui thì em nghỉ để tìm môi trường khác phù hợp hơn.
Tôi cười rung cả quán café.
Ba cho tôi đọc Tam Quốc ngay từ ngày còn bé. Giống với đại đa số người đọc, tôi ủng hộ phe Thục. Trương Phi và bậc thánh nhân Quan Vũ theo phò tá Lưu Bị kể từ những ngày đầu. Lưu Bị mưu sinh bằng nghề dệt chiếu, bán dép, của nả chẳng có. Binh lính ban đầu phải do Trương Phi bỏ tiền ra chiêu mộ. Trận mạc lúc đầu bị đánh thua luôn, thua từ trận Trường Bản để mất cả vợ, lại thua trận Từ Châu lạc cả anh em. Nhưng rồi cuối cùng làm nên đại nghiệp và trở thành bậc hoàng đế chia ba giang sơn Trung Quốc rộng lớn. Năm lên ngôi Hoàng đế nhà Thục Hán, Lưu Bị vừa tròn 60 tuổi. Tính ra Lưu Bị lên ngôi muộn nhưng cũng một phần do tranh đấu muộn, lại thất thế vì xuất thân tay trắng, may nhờ góp sức của Gia Cát và các tướng lĩnh mà nghiệp bá mới thành. Ấy xem như là tấm gương cho các…nhân viên công ty nhỏ, mới khởi sự vậy.
Đi làm cũng được nửa thập kỷ, chẳng bao giờ tôi sợ việc nặng hay việc khó. Điều thứ nhất cần quan tâm là người sếp có tốt với mình hay không, có đưa ra những chỉ đạo và chỉ bảo chính xác, quyết liệt..để mình hoàn thành được nhiệm vụ không. Và điều thứ hai, nếu người sếp trực tiếp vẫn là cấp dưới của một vị Chủ tịch/Tổng Giám đốc nào đó, thì cần biết được tầm nhìn chiến lược của vị Chủ tịch ấy vươn xa đến đâu, sẽ đem lại thành quả to lớn thế nào và liệu có phù hợp với nguyện vọng hay sức lực của mình.
Lại trộm lấy một so sánh thực tế, tôi yêu SHB là bởi tầm nhìn chiến lược lọt vào top 3 Ngân hàng TMCP Tư nhân, hay tài năng thiên phú chuyên xử lý nợ và tái cơ cấu của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (với những câu chuyện của Thủy Sản Bình An, Vinaconex-Viettel) là điều tôi hết sức ấn tượng và tâm đắc, với mong muốn góp sức mình trong hành trình kết nối thịnh vượng ấy. Sếp trực tiếp tôi cũng là một vị tướng kiểu mẫu để học hỏi và khâm phục nhiều điều, mà điểm mấu chốt tôi luôn nhắc đến mỗi khi nói về lý do mình gắn bó với Bản tin SHB NEWS, là: Tầm nhìn Bản tin ngân hàng của sếp là tầm nhìn cực kỳ tinh tế, không thuần túy dừng ở mức “nội bộ” như các Bản tin ngân hàng khác.
Và chắc chắn rồi, khi đã kén được “Chúa” mà “thờ”, thì việc của người ong thợ chỉ là dốc sức và miệt mài thôi. Những khó khăn, vất vả…có nhiều hay có ít, dẫu sao cũng chỉ là sự điểm xuyết thú vị để sau này có kỷ niệm kể cho con cháu, có kinh nghiệm mà chỉ bảo cho người sau.
Tôi nói với người em của mình rằng: “Thế này cô gái ạ, nếu hằng ngày em chỉ gặp toàn chuyện vui, thì người ta sẽ ví cuộc đời em như một quyển truyện cười. Em đi làm, với mong muốn ngoài tiền bạc thì tích lũy được thêm kiến thức, kinh nghiệm. Nhưng những bài học kinh nghiệm ấy em lại chỉ có thể nhận được thông qua việc đánh đổi sức lực, chất xám, thời gian…kéo theo đó dĩ nhiên là sự mệt mỏi, đôi khi là thất vọng và thậm chí có thể cả đau khổ”.
Một câu cửa miệng của dân kinh tế là “High Risks, High (Expect) Returns”. Việc chấp nhận rủi ro nhiều khi không giúp đem lại phần thưởng tương xứng. Nhưng việc chấp nhận nỗ lực sẽ luôn đem lại những bài học kinh nghiệm. Càng nhiều nỗ lực, kinh nghiệm đến càng nhiều. Tôi muốn khẳng định một điều rằng: Tuổi tác không làm nên sự trưởng thành. Sự trưởng thành đến từ những va chạm cuộc sống. Giống như leo bậc thang-một chiếc cầu thang với bậc cao, bậc thấp. Có bậc thấp dễ vượt qua, cũng có bậc cao khiến ta vấp ngã. Nhưng ngã mà biết đứng dậy, bước lên tiếp để không bị ngã nữa, thì chiếc “cầu thang danh vị” ấy sẽ đưa giá trị bản thân bạn lên một tầm cao mới.
Đời người, ai chẳng một lần vấp ngã, có những cú ngã “định mệnh” như việc xe đạp vấp phải một cục đá lăn ra từ công trình xây dựng gần đó, cũng có khi ta đã nỗ lực nhưng không vượt qua nổi hàng ngàn đối thủ xuất sắc không kém trong kỳ thi đại học hoặc trong buổi phỏng vấn xin việc. Nhưng, có những cú va vấp-những cú ngã có thể do chính ta tạo ra, nhất là khi tự mình thoát ra khỏi vùng an toàn: Đề xuất một ý tưởng mới lên quản lý; Gặp gỡ một người bạn mới quen; Lên kế hoạch cho một dự án khởi nghiệp…Tôi nói tiếp với người bạn đối diện: “Thế này cô gái ạ, em chẳng những bỏ qua những va vấp do tạo hóa “bố trí” sẵn, dĩ nhiên cũng chẳng dại tạo thêm thử thách cho bản thân, em thu mình rồi lánh xa để cố giữ cho mình một vùng an toàn, chọn cho mình một cái ổ mà em cảm thấy yên bình. Êm đềm như vậy, em học hỏi được bao nhiêu? Tốt nghiệp bao năm, em thấy mình trưởng thành hơn thế nào rồi? Người ta lên lương thâm niên rồi đấy, cớ sao giờ em lại chuẩn bị nhận tháng lương thử việc mới”.
“Điều quan trọng, anh nhắc lại, là sự phù hợp về lý tưởng. Ở trong một công ty nhỏ, trở thành khai quốc công thần mà xây dựng đơn vị vững mạnh lên, rồi em sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Ở trong một công ty lớn, em nỗ lực cống hiến để góp phần vào giá trị của tổ chức. Như vậy chẳng vui hơn việc làm một gã du mục, suốt ngày loay hoay đi tìm niềm vui ư? Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, vậy gian khổ sẽ giành phần ai?”.
Dù sao, tôi nghĩ rằng, một lần nghỉ việc cũng là một lần va chạm-vấp ngã. Chọn được điểm dừng chân phù hợp vốn không dễ, và có khi hai tháng thử việc chưa thể làm được điều đó, có khi phải mất tới vài năm để biết lý tưởng của mình không phù hợp. Không sao cả, bước tiếp. Nhưng điều quan trọng là bài học rút ra sau mỗi lần vấp ngã, và, trong quãng thời gian trải nghiệm thì mình đã thực sự nỗ lực hết sức chưa.
Tôi vẫn luôn tâm đắc một câu nói của Lý Tiểu Long: “Tôi không sợ đối thủ biết sử dụng 10.000 cách đấm khác nhau. Nhưng tôi sẽ rất e ngại một đối thủ đã luyện một cú đấm 10.000 lần”. “Đấm” được vào lý tưởng tới lần thứ 10.000, tôi chắc chắn bạn sẽ thành công!