Bệnh than…

Dân ta có một căn bệnh trầm kha, khó chữa, dường như đã ăn sâu vào trong máu thịt. Đó là bệnh than phiền.

Cứ đổi mới là than

Một cậu học trò xách cặp đi thi đại học. Trước đây, cứ nộp hồ sơ vào trường là vô phương cứu chữa, không rút ra được và cũng không biết tình hình thế nào, phải hồi hộp chờ đợi cho đến ngày công bố kết quả. Đấy là còn chưa kể với cách thực hiện “đóng” như vậy, sẽ có bao nhiêu tiêu cực xảy ra nhờ những vụ chạy điểm kín, những tiêu cực dù rất nhỏ nhưng không phải là không có, cũng có thể làm thay đổi kết quả. Rồi khi trả điểm về, người tiếc rẻ vì thừa điểm, người lại lắc đầu vì “tự dưng năm nay điểm chuẩn trường tăng vọt” mà bất lực không biết làm thế nào. Vì hồ sơ thi đại học đã nộp trước cả kỳ thi (nghĩa là chưa biết sức mình thế nào đã nộp hồ sơ), “bút sa gà chết”, chẳng cách nào cứu vãn được. Vậy là bạn than!

Bây giờ “cải cách”, bạn được cập nhật điểm và thứ tự xếp hạng hàng ngày, mọi hồ sơ tiếp nhận đều phải được công bố trên website ghi đầy đủ tình trạng hợp lệ hay không, chuyển từ mã trường nào. Bạn biết mình trượt có thể rút hồ sơ, xin chuyển sang trường khác phù hợp với điểm số của mình hơn. Thậm chí, thi xong đã có thể áng chừng điểm và xin chuyển ngay từ ngày đầu công bố nhận hồ sơ. Nhưng đã đến thế rồi, bạn lại vẫn than! Than vì phải rút, nộp hồ sơ vất vả, than vì phải cập nhật từng ngày rồi nơm nớp lo sợ thứ hạng của mình tụt, sợ các bạn trường cao nhảy vào….Ý bạn là gì? Bạn muốn nộp, rút hồ sơ hay là quay trở về cơ chế cũ theo kiểu “nằm chờ” bị động?

Hết chuyện thi cử lại đến chuyện chọn trường. Phải nói thật lòng rằng, đọc mấy bài báo viết về cách rút, nộp hồ sơ của một số học sinh mà tôi thấy não lòng. Một em thi Sư phạm Toán không đậu, rút hồ sơ ra nộp ngành Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Kinh tế quốc dân, sau đó vẫn thấy không khả quan liền rút hồ sơ để vào Đại học Giao thông vận tải. Lại một em khác, thi Đại học Y Hà Nội nhưng không chắc đỗ, liền rút hồ sơ sang nộp vào ngành Kỹ sư của… Đại học Bách khoa Hà Nội. Vậy bạn chọn nghề hay chọn trường? Chọn đam mê hay điểm số? Hay thực sự  bạn không có định hướng nghề nghiệp để đến nỗi sẵn sàng vào bất cứ đâu miễn là không bị mang tiếng trượt đại học? Để rồi sau đó lại thấy chán học, thấy không phù hợp. Ra trường thất nghiệp hoặc đi làm trái ngành, trái nghề và sau đó lại tiếp tục than phiền, thậm chí đổ lỗi cho “chất lượng giáo dục Việt Nam”?

Xã hội tiến bộ là nhờ vào những đổi mới. Những lần đầu tiên đổi mới bao giờ cũng khó khăn nhưng là cần thiết để cả cơ chế sau đó hoạt động trơn tru và hiệu quả.

Bài viết “Bệnh than” được VTV1 chọn đưa lên mục Điểm báo để phân tích, bàn luận cùng công chúng

Thất nghiệp là do bạn hay do xã hội?

Sau quá trình học tập là đến quá trình “khởi nghiệp”. Cầm tấm bằng cử nhân trong tay, nhiều sinh viên tưởng rằng thế đã là đủ để có được một công việc tốt, một vị trí tốt. Khi đi thực tập, bạn từ chối những việc “pha trà rót nước” vì cho rằng đó không phải là công việc của mình, đi làm bị cấp trên mắng thì bạn tự ái ra mặt, lúc nào cũng cảm thấy mình bị đồng nghiệp chèn ép rồi than phiền “công việc không thích hợp”. Đùng một cái, bạn nhảy việc với tâm lý “mình còn trẻ”, cần tìm kiếm một cơ hội xứng đáng hơn với năng lực của mình.

Có một điều mà bạn quên mất rằng: Chính bạn thích công ty ấy nên mới xin ứng tuyển vào. Chính bạn đã nói với bộ phận tuyển dụng và lãnh đạo của công ty rằng: “Em cảm thấy rất thích công việc này và muốn gắn bó lâu dài với nó”. Có một thực tế là: Chẳng công ty nào muốn nhận một nhân viên về chỉ để ngồi chơi và uống trà cả. Công việc nào cũng có cái khó, cái khổ, các bạn sinh viên mới ra trường còn thiếu về kinh nghiệm, yếu về thực tế cần được huấn luyện từ đầu. Đừng vội than thở về việc “lương thấp” và “hay bị mắng”. Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc cần trả học phí cho người huấn luyện mình chưa, hay đã bao giờ băn khoăn tự hỏi: Tại sao công việc đó sếp lại không giao cho mình? Vì bạn chưa đủ khả năng hay vì các sếp “mắt kém” chưa nhận ra nhân tài ở ngay bên mình?!

Nhìn vào con số gần 178.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, tôi thấy thương thay cho họ, tại sao nhiều bạn chỉ học hết cấp III hoặc tốt nghiệp trung cấp nghề, họ vẫn có công ăn việc làm ổn định mà bạn học hành tốn kém, công phu là thế lại để cho mình thất nghiệp?! Lỗi do các trường đại học hay do chính bản thân bạn yếu kém?

Than cả những chuyện không phải của mình

Người Việt Nam bản tính hiếu kỳ, những việc “chướng tai gai mắt” thì dù không phải là việc của mình, có liên quan đến mình thì họ vẫn cứ thích than phiền.

Bầu Hiển mời đội bóng Manchester City về Việt Nam, dân ta than: Tốn! Tiền đó để đi làm từ thiện có phải tốt hơn không, bao nhiêu dân nghèo còn đói… Nhưng có điều bạn quên mất đó là tiền túi của công ty bầu Hiển, và ông muốn mời Man City về cũng chỉ như bạn cuối tuần bỏ tiền túi ra mua một cặp vé xem phim vậy. Tại sao bạn có thể mua vé xem phim trong khi “bao dân nghèo còn không có cái mà ăn”? Có một sự thực là, nếu không phải là tiền tham nhũng, tiền thuế của dân thì họ muốn tiêu ra sao cũng được. Người dân nghèo còn chưa trách móc, tại sao bạn phải than giúp họ?

Và rồi cứ thế, gặp chuyện gì cũng có người than được: giá xăng tăng, than, giá xăng giảm, vẫn than vì sao giảm ít thế. Cảnh sát giao thông bắt, lại than (mặc dù họ bắt vì bạn vi phạm luật giao thông rõ rành rành). Và rồi, ngay cả khi thấy các anh cảnh sát quét đường, giúp đỡ người dân hay chở  học sinh trễ giờ đi thi, thì bạn cũng vẫn than: Tại sao bình thường không thế mà lên hình lại “diễn” thế? Tóm lại, đi đâu, làm gì cũng có lý do để một bộ phận không nhỏ người Việt có thể than thở được.

Cái bệnh than ấy, âu cũng do thói ích kỷ chỉ biết đến bản thân mà ra.

Than cho dễ thở. Thở xong rồi lại than. Cái vòng than thở luẩn quẩn ấy khiến cho cuộc sống của nhiều người trở nên tù túng, ngột ngạt mà chính họ không hề hay biết.

Cuộc sống này dù còn nhiều điều bất cập, nhiều điều không diễn ra như ý chúng ta mong muốn, nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, việc được sinh ra trên đời này lành lặn và đầy đủ đã là một may mắn lắm rồi không. Than ít thôi và cười nhiều hơn, hãy sống có ích và trân quý từng phút giây của cuộc sống này.