Người sống không chữ tín, thì quan hệ làm gì cho phí thời gian?

Cháu tôi vừa tốt nghiệp tiểu học. Cảm giác chuyển cấp thì các bạn biết rồi đấy: Hồi hộp, lo lắng, háo hức và cũng đầy hy vọng. Trường mới, bạn mới, sách giáo khoa cũng mới nữa. Bây giờ các em sẽ không còn cuốn sách “Tiếng Việt” nữa, mà là “Ngữ văn”. Cậu cháu tôi cũng là một người giỏi viết, hắn tả con mèo thì đúng là con mèo thật, còn tôi mà viết thì kiểu gì người ta cũng liên tưởng đến Đô-rê-mon.

“Chú luôn thích những cuốn sách ở đầu cấp”-Tôi nói-“Bởi vì sách giáo khoa nước ta rất hay, được viết theo lộ trình cụ thể nhằm nâng cao dần hiểu biết của học sinh: Bắt đầu từ những giá trị cơ bản nhất. Và hầu như, những giá trị cơ bản nhất lại chính là những bài học kinh điển và mới là những điều cần thiết nhất-bắt buộc nhất phải học. Sách tiếng Việt lớp 1 dạy mặt chữ, dạy cách đánh vần. Sách Ngữ văn lớp 6 dạy đọc-hiểu những câu chuyện, những truyền thuyết lịch sử kinh điển bậc nhất của dân tộc ta-Xen lẫn dạy những cách hành văn cơ bản tự sự, miêu tả. Lên đến cấp 3, khi học sinh đã biết cách hành văn theo nhiều thể loại, sách giáo khoa Ngữ Văn 10 lại dạy tới những tác phẩm thơ-văn kinh điển nhất của dân tộc, đi kèm nâng cao kỹ năng viết cho học sinh bằng việc dạy các em nhận biết các biện pháp tu từ”.

“Và chú nghĩ cháu sẽ học được rất nhiều từ cuốn sách Ngữ văn 6 đấy. Có những giá trị cốt lõi để trở thành một người trưởng thành mà chú đã học được từ đây”.

“Vậy chú thích nhất tác phẩm nào trong sách ạ?”

“”Mẹ hiền dạy con””-Tôi trả lời ngay.

“Mẹ hiền dạy con” là tác phẩm được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn 6-Tập 1. Gần 20 năm học cuốn sách ấy mà tôi vẫn nhớ như in: Thầy Mạnh Tử thưở bé thấy nhà hàng xóm giết lợn, về nhà hỏi mẹ vì sao họ làm vậy. Bà mẹ đùa rằng họ giết lợn “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi! Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Nghĩ vậy, bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Trước đó, cũng trong thời Xuân Thu, một hôm vợ của Tăng Tử (Học trò xuất sắc của Khổng Tử) đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi theo đi, bà liền dỗ dành con: “Con ở nhà, đợi mẹ đi chợ về mổ lợn cho con ăn”. Khi vợ đi chợ về, Tăng Tử bắt lợn làm thịt thật.

Vợ ông thấy vậy vội ngăn lại: “Tôi chỉ nói đùa để dỗ dành con thôi, sao ông lại tưởng thật?”.

Tăng Tử nói: “Không thể nói chơi với trẻ con được. Trẻ con chưa có khả năng suy xét phán đoán, do đó cha mẹ phải dạy bảo, và nghe theo cha mẹ dạy dỗ. Hôm nay bà nói dối lừa nó, chính là dạy nó lừa dối người khác. Mẹ lừa dối con thì con sẽ không tin vào mẹ nữa. Thế thì sao có thể dạy con thành chính nhân quân tử được”. Vậy là Tăng Tử mổ lợn cho con ăn.

Phải nói thêm rằng, sau này lớn lên, Mạnh Tử cũng trở thành một hiền triết xuất chúng, trước đó, ông theo học Khổng Cấp, cháu nội của Khổng Tử. Vậy nhìn chung, cả hai triết gia nói trên đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Khổng Tử. Thế thì Khổng Tử đã nói gì về chữ tín?

Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất chi kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chitai?”. Nghĩa là: Người mà không đức tín thì không hiểu sao thành người được (hoặc làm nên việc được). Cũng như xe lớn không có đòn nghê (đòn gỗ ngang để buộc trâu); xe nhỏ không có đòn ngột (đòn gỗ cong để buộc ngựa) làm sao mà đi được?”.

Trong chính cách tạo nên con chữ của người Trung Quốc, người xưa cũng đã rất tinh tế chỉ ra sự quan trọng, cũng như cách thức tạo nên chữ tín. Chữ Tín (信) bao gồm chữ Nhân (人) nghĩa là người, và chữ Ngôn (言) nghĩa là lời nói. Hay nói đơn giản, lời nói của con người tạo nên chữ tín. Và chữ tín cũng giúp ta nhận ra một con người có đáng tin không. Thiết nghĩ, muốn biết giá trị của một con người, và xem thử họ có đáng để ta “chọn mặt gửi vàng” hay không, thì bất tất phải xét đoán quanh co làm gì cho lắm: Chỉ cần xem họ nói lời có giữ lời không là đủ.

Tôi còn nhớ có lần ngồi uống nước với một cậu bạn. Cuộc đã tàn, cậu ấy chào tạm biệt để về vì 5h có cuộc hẹn tiếp theo. Tôi giật mình bởi lúc ấy đồng hồ đã chỉ 5h30 rồi. Hóa ra, cậu bạn kia có thói quen đến trễ giờ hẹn, thậm chí là tới rất muộn. Vậy nên, bạn tôi cũng đi lệch giờ để đỡ phải bỏ công chờ đợi. Dần dà, hai bên cứ bên nọ chờ bên kia, nhưng nhìn chung là chẳng bao giờ tới đúng giờ hẹn. Duy trì những mối quan hệ như thế, chẳng những lãng phí thời gian chờ đợi (Có đôi khi, tôi còn phải sẵn sàng bỏ việc nọ, việc kia…để đến cuộc hẹn được đúng giờ. Nhưng rồi phải chờ đợi hoặc phải về nhà vì đối phương thất tín); đáng ngại hơn-nó cũng làm hỏng chính đạo đức và chiếc đồng hồ sinh học chuẩn mực của bản thân.

Nhưng mẫu người ấy, với tôi cũng chẳng thể đáng ngại bằng mẫu người “Hôm nào rảnh đi café nhé”. Người ta hứa mời tôi một bữa. Hai tuần, ba tuần, rồi sáu tháng. Họ nói với tôi rằng họ chưa chứ không phải là sẽ không làm.

Thế nên, có những mối quan hệ mà vài năm sau, rồi khi chúng tôi đã dừng nói chuyện với nhau rất lâu rồi, nhưng đối phương vẫn chưa từng thực hiện lời hứa ấy.

Lời “nói dối xã giao” ấy luôn làm tôi nhớ đến cách mà vài vị phụ huynh từng ứng xử với đứa con tội nghiệp của mình: “Con cứ học giỏi đi, đừng ham chơi nữa, rồi bố mẹ sẽ mua đồ chơi/truyện tranh cho”. Kết cục: Đồ chơi thì không thấy còn đứa trẻ bị mắng té tát “Học cho mày chứ học cho ai?”.

Các bác chẳng nghĩ xa. Bởi vì sau này, đố các bác động viên được con học tập đấy. Đứa trẻ không còn tin lời các bác nữa rồi. Tệ hại hơn, nó cũng sẽ đâm ác cảm với ngay cả…việc học và rồi các bác cứ chờ xem phiếu báo điểm của học kỳ tới sẽ như thế nào.

Chuyện cũng diễn ra tương tự khi các bậc phụ huynh dỗ con khóc, hoặc chỉ đơn giản ban đầu hứa hẹn cho vui miệng, sau thấy xót tiền liền lật kèo. Trẻ em như tờ giấy trắng, và đặc biệt tình cảm của các em vẫn còn trong trẻo, ắt sẽ thấy phấn khích trước niềm vui và niềm tin sắp có được con gấu bông mới. Vài ngày sau, khi lòng kiên nhẫn sắp cạn, sự thật phũ phàng kéo đến và đứa trẻ sẽ không bao giờ tin chính bậc sinh thành ra chúng nữa. Có bao nhiêu cách để dạy con, vì sao phụ huynh chọn cách “treo bánh vẽ” để rồi trở thành kẻ bội tín như vậy?

Tôi có nghe nhiều về những đơn vị tổ chức khóa học “Làm bạn cùng con”. Chưa từng dự một khóa nào, nhưng tôi cho rằng, làm bạn cùng con thực ra rất đơn giản. Phụ huynh nhiều người có thói quen áp đặt, quản chế và lấy vũ lực để ép con làm nhiều điều, trong khi chính bản thân lại bội tín với con mình. Chúng tin tưởng những người bạn hơn, đơn giản vì bạn bè không có yếu tố như vậy. Và muốn xích lại gần con, không còn cách nào khác phải buông bỏ cái tôi, và cư xử với con như người mẹ của thầy Mạnh Tử. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”: Giữ chữ “tín” là nguyên tắc hàng đầu trong bất cứ mối quan hệ nào. Có ai lại muốn gần gũi với kẻ bất tín?

Phải khẳng định rằng: Chữ tín, dù to hay nhỏ. Đều rất quan trọng. Khi không giữ chữ tín được ở những điều nhỏ nhặt, người ta thường phàn nàn và tìm cách thoái thác khi thấy sự nghiêm khắc chấn chỉnh từ đối phương (giống như việc đôi bạn nặng nhẹ với nhau sau lần thất hứa, hay bố mẹ quát con dù chính họ đã không giữ lời…). Nhưng sự thật, hãy nghĩ rằng khi đã không có “tín” trong những việc nhỏ; thì sao có thể tin tưởng ở bên nhau khi việc lớn? Đó là lý do quan hệ bằng hữu ko còn, con cái dần xa cách cha mẹ…

“Kẻ nói mà rất lâu chưa thực hiện, và thậm chí phải nhắc nhở mà cũng mãi trơ mình chẳng hề có động thái cụ thể; thì có khác gì không làm không, con trai? Chúng ta sẽ bắt đầu tập làm người bằng cách học thật kỹ, thật đúng chữ Tín nhé”-Sau này, tôi ắt sẽ khuyên bảo con trai mình như vậy.

Một hôm, tôi đến nhà người bạn để trả chiếc máy ảnh cơ. Nhà cậu ở tận Hoài Đức, cách xa nhà tôi ở tới mấy chục cây số. Lúc ấy là 9h tối, nhận được cuộc điện thoại của tôi nói rằng đang ở ngoài cửa. Cậu bạn tôi chạy vội ra, thất kinh hỏi rằng:

“Làm sao mà phải khổ như thế, chẳng phải ngày mai trả cũng được hay sao?”

Tôi đáp rằng: “Quân bất hí ngôn. Tớ đã hứa sẽ trả cậu sau khi chụp xong ảnh sự kiện, nên tớ trả cũng là lẽ đương nhiên thôi mà”.

“Quân bất hí ngôn” là một câu chơi chữ tôi vẫn thường nhắc đến. Tiếng Trung dịch câu này ra nghĩa là “Vua không nói giỡn”, ý chỉ những lời vua nói ngày xưa thì là chính xác, là chữ Tín cao nhất và chắc chắn sẽ thực hiện. Lịch sử cũng cho thấy, mỗi lần vua nào có ý bội tín, thì nước đó đều suy vong cả. Không được quần thần, nhân dân tín nhiệm thì có lý nào lại phát triển được?

Và tôi thì tên là Quân.

Thực ra, tôi cũng không quá hà khắc hay gò bó, ép buộc với Chữ Tín. Ngay kể tổ tiên, cha ông ngày trước cũng vậy. Giống như những cuộc hẹn, đồ rằng không đến được, ta nhấc máy lên gọi điện và thông báo cụ thể cho đối phương.

Nhưng điều khác biệt giữa người có chữ tín và kẻ không có chữ tín cũng thể hiện ở vậy.

Đó là lý do chúng ta có thể nghe được một khoảng thời gian cụ thể trong lời hứa của đối phương, ví như sẽ đến sau giờ hẹn 10p, hoặc dời hẹn sang một hôm cụ thể khác. Thậm chí khi đang đợt bận, khi hẹn hoặc thỏa thuận hẹn với đối phương, thì bản thân người đó đã có trong đầu những dự định về địa điểm, thời gian hẹn, áng chừng lúc nào có thể rảnh. Qua đó trao đổi và thống nhất bước đầu với đối phương. Ngược lại, có những người mở lời nói ra nhưng chẳng lấy gì làm cụ thể. Bởi vì trong đầu họ vốn đã xem nhẹ lời hứa, và ắt hẳn xem nhẹ cả mối quan hệ với người đã hứa hẹn.

Bởi vì người thực tâm, có đạo đức sẽ không dễ gì phản bội lại lời hứa, vứt bỏ đi danh dự của bản thân mình, và sẽ cố gắng thực hiện lời hứa đó. Khi thực hiện trọn vẹn chữ tín, chắc chắn bạn sẽ được người khác tín nhiệm. Và đó cũng là yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị, nâng cao địa vị của một con người. Đó cũng chính là lý do Quý Bố-vị tướng thời Hán-Sở tranh hùng được “cấp trên” và “đồng nghiệp” tin tưởng, tiến cử và giao cho nhiều trọng trách đặc biệt bởi chữ tín to lớn của ông. Nói “Có ngàn vàng không bằng lời hứa của Quý Bố” là vậy.

Chỉ thủ tín mới có thể được lòng người! Và bội tín thì là thất bại lớn nhất của đời người.

Với người bội tín, nhất là những kẻ biết mình chưa hoàn thành chữ tín mà vẫn khăng khăng không chịu xin lỗi, vẫn quyết liệt với lý tưởng và cuộc sống của mình. Thì nghĩa rằng một là kẻ sống không có đạo lý, không có nguyên tắc; hai là không tôn trọng mình-sống không có “nghĩa” với mình. Hoặc giả đã bội tín với mình, lấy gì để tin họ sẽ không bội tín với người khác vì thói quen ứng xử tùy tiện ấy? Kẻ bội tín nhiều, ắt không được nhiều người tin tưởng, không thể tạo dựng được tình bạn hay các mối quan hệ bền vững trong cuộc sống, đâm dẫn đến kết cục thảm hại.

Và thực sự: Kẻ không có tín nghĩa, sống vô đạo lý, bị xã hội kỳ thị thì quan hệ làm gì cho phí thời gian?