Đồ đàn bà

Để mà nói về một lời miệt thị mà tôi hoàn toàn bất bình đến mức cực kỳ sâu sắc, thì đấy là câu nói: “Đồ đàn bà”. Kinh sợ hơn nữa, đôi khi tôi được nghe câu này từ chính một người phụ nữ.

Tồn tại ở đời vài chục năm, tôi nhận ra rằng, chẳng thể có ai chiều lòng hết được tất cả mọi người. Ngay kể chính tôi cũng vậy, cũng có người nói tôi là “ngu”, người gọi tôi thân thương bằng tên một loại quả – “Óc chó”. Lại cũng có người đòi giao lưu cả với phụ huynh của tôi nữa. Chẳng ngôn từ xúc phạm nào là dễ chịu cả, nhưng thiếu tôn trọng nhất, đối với tôi, là “Đồ đàn bà”.

Ba từ ngớ ngẩn ấy được gắn vào trong mọi ngữ cảnh, hạ thấp giá trị phụ nữ một cách rùng rợn. Thông thường, câu nói này được sử dụng để nói về một người đàn ông. Nếu anh ta bị người nói cho là quá chỉn chu (hoặc theo góc nhìn tiêu cực thì là hà tiện quá), thì cũng là “Đồ đàn bà”; tương tự – nếu nhỏ nhen quá, thì cũng là “Đồ đàn bà”; Làm hỏng một việc gì đó – “Đồ đàn bà”. Hay bất cứ tranh cãi, xung đột nào, nếu muốn kết thúc bằng cách công kích đối phương, thì người ta cũng thường tấn công họ bằng câu nói: “Đồ đàn bà”.

Đôi khi, “Đồ đàn bà” cũng được sử dụng để tấn công trực tiếp một người phụ nữ. Nhưng tôi thấy điều này thậm chí ít xảy ra hơn trường hợp – chính một người phụ nữ lại tấn công người đàn ông bằng câu nói “Đồ đàn bà”. Thế nghĩa là, cùng với “bò”, “chó” hay đôi khi là “heo”, “gà”, thì “đàn bà” cũng là một giống loài thấp kém, mang trên mình đầy khuyết điểm. Tai hại hơn là rất nhiều người phụ nữ lại cũng mặc nhiên ủng hộ về cái định kiến sai lầm này, thông qua cách sử dụng câu nói trên.

Cá nhân tôi là một người rất tôn trọng phụ nữ, thông qua nhiều trải nghiệm.

Ngày còn học phổ thông, năm lớp 11, tôi nhận được giải Nhất trong một cuộc thi hùng biện về lịch sử. Lúc bấy giờ, phần thi vấn đáp, tôi đã trả lời cho câu hỏi: “Ai là người anh hùng trong lịch sử của em?”, rằng người mà tôi luôn thần phục là Hai Bà Trưng, dòng dõi vua Hùng. Những người phụ nữ cưỡi voi đánh đuổi Thái thú Tô Định phải cắt tóc, cạo râu bỏ chạy về phương Bắc. Hình ảnh Hai Bà bất khuất, chấm dứt khoảng 70-130 năm Bắc thuộc lần thứ nhất luôn hiện rõ trong tâm trí tôi.

Lớn lên, mẹ tôi khởi nghiệp kinh doanh, tạo nên kinh tế tốt cho gia đình. Rồi ngay kể cả khi tôi đi làm, tôi tuyển được các bạn nhân viên nữ vừa nhiệt tình lại nhanh nhẹn. Cơ quan hồi đấy tôi làm việc không có thang máy, các em vác hết mấy thùng vở chuyển từ tầng 1 đến tầng 5. Thế thì phụ nữ có thể không nhanh hẹn, không mạnh mẽ, không tài giỏi…ở đâu nào?

Tất cả những điều đàn ông có thể, thì phụ nữ cũng đều làm được. Tất cả những thói quen, những nỗi lo của phụ nữ, đàn ông cũng đều có thể gặp phải (hoặc có được). Đến cả những màu sắc vẫn thường được gán cho phụ nữ, thì đàn ông cũng vẫn cực kỳ đẹp đẽ khi diện lên. Ví như đội tuyển Đức khi trang phục sân khách của họ năm nay cũng chính là màu Hồng.

Bình đẳng giới xuất phát từ những hành động rất nhỏ, không cần làm rùm beng, không cần “chữa lành” bằng những sự kiện, quà cáp đắt tiền, chỉ là bắt đầu từ việc, chấm dứt sử dụng câu nói: “Đồ đàn bà”. Những người đàn ông phải hiểu và tin rằng phụ nữ cũng mạnh mẽ y như họ, và những người phụ nữ – cũng tin rằng bản thân mình có thể tự mình làm nên tất cả.

Đàn ông và Phụ nữ, cả hai đều là giống loài vĩ đại. Là điều kỳ diệu nhất mà tạo hoá đã sản sinh!