Từ bỏ để đổi thay

Đầu tuần đến sân xem trận đấu giữa Câu lạc bộ Hà Nội gặp Hoàng Anh Gia Lai, mãi mấy ngày nay tôi cứ suy nghĩ về tấm băng rôn của cổ động viên đội khách “Các bạn không thay đổi, chúng tôi đành từ bỏ”. Ý nghĩa của các bạn đến sân là để nhắn gửi đội bóng mình yêu thích cần có thái độ thi đấu tích cực. Nhưng với tôi, câu khẩu hiệu ấy còn mang nhiều tầng ý nghĩa hơn, bởi nó đã trở nên thực sự gần gũi và quen thuộc: Tôi đã từng trải qua rất nhiều kỷ niệm liên quan, sử dụng rất nhiều lần câu nói tương tự, và trong đầu đã luôn tâm niệm “Vận mệnh thay đổi khi ta hành xử khác” nhiều năm nay.

Tôi còn nhớ rất rõ cách đây một năm, cậu bạn thi-thoảng-gặp gọi điện và nói muốn đi ăn cùng với tôi. “Anh em lâu không gặp nhiều chuyện để nói”-Cậu ấy bảo. Lúc ấy trùng đúng dịp ba má tôi đi du lịch xa, tôi ở nhà một mình nên bảo cậu ấy qua nhà luôn. Quay vịt kiểu Bắc Kinh thì tôi không biết, chứ đem thức ăn lên luộc tất thì có khó gì.

Cậu bạn tôi nhìn mâm cơm, thở dài: “Xưa, người yêu cũ cũng khuyên tôi nên vào bếp phụ em ấy cho tình cảm hai đứa đi lên. Nhưng tôi nghĩ, sau giờ làm về đã mệt, tay chân mình lại lóng ngóng. Có vào chắc chỉ phá chứ giúp được gì nên từ chối, thế là em ấy giận”.

Tôi chơi với cả cậu ấy và cũng có quen biết cô gái được gọi là “Người yêu cũ”, nên biết trong quá trình tìm hiểu trước đây, hai người cũng có “nắn gân” nhau nhiều. Cậu bạn tôi thường phàn nàn về chuyện người thương mua những chiếc váy Chic-land đắt gấp đôi tiền lương cô nhận được hàng tháng. Còn cô gái phàn nàn chuyện chàng trai tụ tập bạn bè có khi tới 5 buổi/tuần, tiền taxi phải trả thì đừng hỏi bởi nồng độ cồn sau chầu nhậu ấy mà lái xe thì không biết sẽ lái tới thiên đường nào.

“Ngày còn học lớp 3, bố gọi tớ xuống bếp và muốn dạy tớ nấu ăn”-Tôi kể cho cậu bạn-“Nhưng lúc ấy, tớ xị mặt ra và chẳng tiếp thu được gì. Thời điểm ấy, ngoài việc học, tớ chỉ thích chơi game, đọc truyện, đi tụ tập với đám nhỏ trong khu phố, chứ việc nấu ăn có gì mà vui?

Nhưng lên tới lớp 7, bố cho tớ tiếp cận với văn học Trung Quốc, tớ rất thích cái đức của người xưa, đặc biệt thích những tấm gương thờ cha mẹ rất hiếu: Từ các bậc vua chúa như Ngu, Thuấn cho đến kẻ nghèo như Đổng Vĩnh..Hay như Đức Khổng Tử soạn hẳn một chương nói về lòng hiếu thảo-Gọi là Hiếu Kinh. Tớ hiểu rằng tớ muốn trở thành một người đàn ông chuẩn mực, kết hợp được giữa sự hiện đại và đạo hạnh của người xưa. Mà muốn thay đổi như vậy, nghĩa là tớ phải từ bỏ đi cái tôi ích kỷ và sự lười nhác của bản thân. Nếu tớ không thể nấu ăn, không biết việc nhà, phỏng sau này vợ con đi vắng thì tớ biết chăm sóc các cụ thế nào? Để các cụ ăn cơm đường, cháo chợ vậy phỏng có là có hiếu không? Nếu tớ muốn trở thành một người con có hiếu, tớ buộc phải buông bỏ cái tôi của bản thân”

“Thế là tớ bắt đầu vào bếp, và bây giờ tớ cũng xem như phổ cập được kiến thức cơ bản đấy. Tớ nghĩ phàm là người có đức, không cứ nam hay nữ, già hay trẻ…đều có thể vào bếp được cả. Chồng giúp cho vợ, con đỡ cho ba, má. Tất cả đều là việc rất nên làm vậy”-Tôi tiếp lời.

Ngày còn làm việc ở đơn vị cũ, tôi có quyền giao nhiệm vụ cho một vài cộng tác viên. Cộng tác viên Ngân hàng thực ra không phải một nghề dễ thở, ký hợp đồng làm toàn thời gian tối thiểu 6 tháng, nhưng chỉ hưởng mức lương khoán gọn ít ỏi. Trung tâm của tôi có một chị cộng tác viên như vậy, chị ấy sinh năm 86, lúc ấy tôi cũng không hiểu vì sao ở cái tuổi đáng ra đã phải ổn định rồi, thì chị ấy lại vẫn nhận công việc mang tính chất rất thời vụ như thế này (Bởi ngay đến tôi lúc ấy mới ra trường đã là nhân viên chính thức). Nhưng sau đó thì tôi giải thích được tại sao: Đó là bởi thái độ làm việc. Chị ấy chưa bao giờ chủ động hỏi hay đề xuất những công việc cần làm với tôi, hay với cấp trên của tôi. Mọi cuộc họp, chị đều im lặng, khi được giao công việc nào thì đón nhận một cách miễn cưỡng. Ấy là bởi cộng tác viên không phải chịu KPI và làm bao nhiêu cũng vẫn nhận lương như vậy.

Đỉnh điểm là có một hôm họp sự kiện gấp, việc thì nhiều mà người thì thiếu. Sếp bảo tôi gọi cho chị ấy để xuống nhận vài đầu việc. Tôi gọi điện thì chuông đổ, nhưng không ai bắt máy. Lên phòng thì mọi người bảo chị ấy đã về từ đúng 5h rồi. Sếp tôi bực mình lắm, tôi vào sau nên mới làm việc được với chị ấy hơn một tháng, chứ với sếp, đây đã là tháng thứ tư. Sếp tôi biết chị ấy không bắt máy là bởi vì không muốn ôm thêm việc về nhà. Ở cái vị trí sinh viên không thể làm (vì làm toàn thời gian) mà người đã tốt nghiệp thì ít khi màng tới, việc tìm người là rất đỗi khó khăn. Nhưng sếp tôi bảo thôi thì đành dùng tạm, vả lại cũng đã ký hợp đồng rồi. Chứ sau khi hết Hợp đồng dứt khoát sếp tôi sẽ tiện chị về hưu trí.

Hết công việc, gia đình thì có thể nói về chuyện tình cảm. Tôi từng bỏ ra rất nhiều thời gian, tâm huyết và tình cảm cho những mối quan hệ mà sau này tôi hiểu rằng, không đi đến đâu cả. Đó chính là động lực khiến tôi đào sâu thêm khoảng cách giữa khái niệm “Xã giao/Người quen” và “Bạn”. Nghĩ đến điều đó cũng xem như hạn chế nỗi đau sau này, khi anh có hoạn nạn mà đau lòng hơn vì nhận ra những kẻ mà ta coi là bạn-Không ở bên.

“Nếu cậu không thay đổi, tớ buộc phải từ bỏ!”-Tôi đã từng nói câu ấy không dưới chục lần, với nhiều những con người khác nhau. Ví như những kẻ hứa liều mà không thực hiện chẳng hạn. Dạng người ấy tôi cực kỳ ghét.

Có người nói tôi khó tính và nghiêm trọng hóa vấn đề, rồi bỏ đi.

Nhưng: Có người chấp nhận thay đổi, và chúng tôi sau đó có một mối quan hệ tuyệt vời. Xét cho cùng, sự đổi thay ấy của tôi hoàn toàn có lý, bởi nó đem đến cho tôi những mối quan hệ mà người đó thực sự trân trọng tôi hơn, chiếc vung úp vào nắp nồi khít hơn. Thay vì tôi có cảm giác xung quanh mình đều là những mối quan hệ xã giao, khó tin tưởng.

Vấn đề ở đây là: Sự thay đổi chỉ đến mãnh liệt và thực sự phát huy hiệu quả khi trong tâm người đó ý thức được sự cấp thiết, sự bắt buộc phải thay đổi. Càng hời hợt, động lực thay đổi càng nhỏ đi và tịnh tiến đến vụt tắt. Đó là lý do chúng ta thấy nhân vật Nô-bi-ta cứ ba ngày lại quyết tâm phấn đấu học hành tử tế một lần, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đa phần cũng bởi cậu có thói quen ỷ lại.

Sự thay đổi, nếu không phải bởi ý thức tự thân để thấy trước hậu quả/thành quả trong tương lai; thì có lẽ chỉ đến khi môi trường bị thay đổi trầm trọng. Một cậu ấm con nhà giàu, nếu đã lười làm ham chơi thì cách thay đổi tốt nhất có lẽ phải là quẳng cậu ấy ra đường và cắt viện trợ.

“Nếu bạn không thay đổi, thì buộc phải từ bỏ” thực sự là đòn tâm lý lớn đối với tất cả mọi người: Thay đổi ý thức làm việc để tạo nên uy tín công sở, thúc đẩy sự nghiệp đi lên. Thay đổi kỹ năng để trở thành một người chồng, người cha, người con…tốt. Thay đổi cách thức học tập để có thể theo đuổi ngôi trường Đại học mình yêu thích. Ngay chính mỗi con người chúng ta, muốn từ bỏ cái mác trẻ con để trở thành người lớn, thì cũng đã buộc phải thay đổi cả ối điều rồi. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người bạn mình “hichic, he he, ặc ặc”, dùng “nhãn dán” đỏ rực màn hình, hay email như kiểu “hotboy9x_hamtruyentranh” giờ trở thành những người rất chuẩn chỉnh.

Như trường hợp của cậu bạn tôi, tôi nói với cậu rằng đáng ra cả hai nên ngồi lại. Cậu ấy có thể khuyên bảo cô bạn gái tiết kiệm để giảm bớt đi áp lực trong tương lai. Còn cô gái ấy, cũng có thể khuyên chàng trai nên lựa chọn những mối quan hệ chính xác hơn, và cũng nên hạn chế những chai cồn đưa vào gan, bởi cũng để giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình. Có tiền, có sức khỏe..thì mới có tình yêu được.

Tình yêu cũng…tốn calo lắm. Cậu ấy có thể giải thích việc cậu ấy rất mệt sau khi đi làm, nhưng cũng nên có buổi, cậu ấy chủ động vào bếp và khiến cô bạn cảm động. Chấp nhận vào bếp cũng là chấp nhận thay đổi, trở thành “Người đàn ông của gia đình”, điều ấy thực sự đáng trân trọng.

Dù sao, chuyện cũ bỏ qua. Nhưng tôi tin cậu bạn tôi sẽ làm tốt hơn trong mối tình sắp tới của cậu. Tình yêu, cũng giống như công việc, học tập…ở khía cạnh là chính mình vì người đó (như công việc thì là chính mình vì sự nghiệp bản thân) mà thay đổi. Nhưng tình yêu cao hơn một bậc, vì không phải chỉ một người đòi hỏi đối phương phải thế này, thế kia thì mình mới yêu, mới thương. Tình yêu là khi cả hai biết sống vì nhau, và biết vì nhau mà cùng thay đổi để phù hợp với nhau hơn.

“Hãy yêu một người biết vì mình mà thay đổi, và vì người ấy mà mình có động lực mãnh liệt cảm thấy cần và phải thay đổi. Nếu không, thì buộc phải từ bỏ!”. Đó chính là tâm niệm của tôi bấy lâu nay, dù là trong mối quan hệ tìm hiểu tiến tới tình yêu, hay tìm hiểu để trở thành những người bạn thân thiết.

Nhân tiện: Cũng có những khi, “người muốn người khác thay đổi” lại mới chính là những người cần thay đổi. Cá nhân tôi nghĩ, trong một mối quan hệ, cả hai cố gắng thay đổi vì nhau, nhưng cũng cần cố gắng chấp nhận nhau. Một người đàn ông đam mê nghệ thuật, anh ấy có thể tính toán kém. Sẽ cần thiết thay đổi ở những lĩnh vực cả hai vợ chồng đều cần chung vai. Nhưng bởi con người không hoàn hảo, nên có những điều một người lo được, người kia có thể bớt gánh đi. Thế nên cô vợ có thể trở thành “thủ quỹ” cho gia đình chẳng hạn. Sự thay đổi ở đây có thể ở việc chấp nhận đối phương, thay vì khăng khăng mong mỏi đối phương phải theo ý mình. Như đã nói, chính ta cần thay đổi để phù hợp tình cảm lâu bền.

Đời cho ta nhiều hạt giống: Công việc, học tập, tình yêu…Nhưng hạt giống ấy nở hoa ra sao, thậm chí nở ra nhiều nhánh, với màu sắc cực kỳ khác biệt…Hóa ra lại nằm ở cách chúng ta gieo trồng và chăm sóc nó ra sao. Từ bỏ những điều xấu, điều hại cũng chính là ta đang thay đổi cuộc đời chính mình vậy. Phép thay đổi vận mệnh con người, hóa ra là ở đấy chứ đâu!